Top 10 vốn điều lệ gọi tên doanh nghiệp nào?

Theo thống kê của Diễn đàn Doanh nghiệp, hiện trên sàn chứng khoán, 2 doanh nghiệp tư nhân là CTCP Hòa Phát (HOSE: HPG) và CTCP Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đang tham gia trong top đầu các doanh nghiệp đứng đầu về vốn điều lệ. Trong đó, HPG giữ vị trí số 1 vốn điều lệ xét trên cả 3 sàn chứng khoán HOSE, HNX, UpCOM với 56.325 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (HOSE: BID; 40.220 tỷ đồng); thứ 3 là CTCP Tập đoàn Cao su Việt Nam (HOSE: GVR; 40.000 tỷ đồng) và VIC giữ vị trí 4 với 38.676 tỷ đồng.

(Diễn đàn Doanh nghiệp thống kê từ dữ liệu HSX, HNX, UpCom

(Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp thống kê từ dữ liệu HSX, HNX, UPCoM)

Nhóm ngân hàng chiếm đại đa số trong top đầu vốn điều lệ gồm BIDV vị trí thứ 2 như nêu trên, kế tiếp là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG, 37.234 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank; HOSE: VCB, 37.089 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB; 35.049 tỷ đồng). Và ngoài ra còn có thêm các ngân hàng ở top dưới 30.000 tỷ đồng nhưng đang hoàn tất lộ trình tăng vốn vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank: HOSE: MBB, 27.988 tỷ đồng ); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBANK, HOSE: VPB, 25.300 tỷ đồng).

Cuối cùng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (HOSE: ACV) ở mức thấp 21.772 tỷ đồng nếu so với một số các ngân hàng đang có vốn điều lệ khá cao, thậm chí vượt VPBank hiện tại và gần như ngang bằng MBBank, như trường hợp Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB); song nếu tính cả vốn điều lệ trong kế hoạch dự kiến, thì có thể đạt xấp xỉ ngưỡng 30.000 tỷ đồng.

Bảng thứ tự vốn điều lệ tạm thời này trên thực tế nay mai, vẫn sẽ còn bị thay đổi nhiều bởi một số ngân hàng – nhóm phát động cuộc đua tăng vốn điều lệ “căng” nhất trong năm nay và cũng là nhóm chiếm phần lớn vị trí, giá trị vốn hóa, tỷ lệ lợi nhuận/ tổng lợi nhuận của rổ VN30 và toàn thị trường – thực hiện được kế hoạch của họ. (Xem thêm vốn điều lệ dự kiến tăng 2021 của một số ngân hàng trong bảng trên).

Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, sở dĩ các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngân hàng phải đua tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực an toàn vốn. “Theo quy định của NHNN, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Hiện nay một số ngân hàng đã đạt chuẩn mực này và có thể tạm yên tâm với việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn. Nhưng ngay cả như vậy thì nhóm đáp ứng lẫn chưa đều vẫn phải lấy việc tăng vốn cũng gia tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng, cũng như có thêm nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn được được siết chặt lại theo lộ trình, là mục tiêu cho chặng đường 1-2 năm tới. Đó cũng là “vũ khí” để ngân hàng ứng phó lại với những mối lo về rủi ro nợ xấu do COVID-19 để lại trong nay mai”.

ACV - Vì sao cần tăng vốn gấp?

Trong khi đó, như thông tin vừa được ghi nhận, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị cho ý kiến về phương án tăng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), giai đoạn 2021 - 2023.

Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang cần cú hích từ chính năng lực vốn của chủ đầu tư. Ảnh:

Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang cần cú hích từ chính năng lực vốn của chủ đầu tư. Ảnh: Phối cảnh Sân bay Quốc tế Long Thành

Theo văn bản gửi các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị cho ý kiến về phương án tăng vốn Nhà nước tại ACV theo đề xuất trước đó của ACV. Các ý kiến sẽ được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mục tiêu phương án tăng vốn nhằm đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư và bổ sung vốn phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 của ACV, tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao đối với việc đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo đó, ACV đề nghị tăng vốn điều lệ từ 21.772 tỉ đồng lên 29.701 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tăng từ 20.769 tỉ đồng lên 28.334 tỉ đồng (vốn nhà nước sở hữu chiếm 95,4% vốn điều lệ).

Nguồn vốn bổ sung theo đề xuất của ACV là từ lợi nhuận sau thuế được phân phối còn lại hàng năm giai đoạn 2019 - 2022, sau khi đã trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng phúc lợi... theo quy định hiện hành.

Nếu đề xuất trên được chấp thuận, ACV sẽ là doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trên hệ thống giao dịch UPCoM và cũng là doanh nghiệp duy nhất trên UPCoM có mặt trong top đầu của các doanh nghiệp dẫn đầu về vốn điều lệ trên 3 sàn (trên thực tế HNX không có doanh nghiệp nào hiện diện trong top này).

Một chuyên gia lưu ý là theo đề xuất của CMSC, và như “phong cách” – quy trình thường thấy để được phê duyệt, ACV có thể chạm mức vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian dài hơn kế hoạch của các doanh nghiệp niêm yết chỉ tính ở năm nay. Như vậy thì nếu chậm chân phê duyệt và thực hiện, ACV sẽ còn phải “chạy theo dài dài” trong bảng tổng sắp các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Tuy nhiên, với trường hợp của ACV, hay mở rộng ra là trường hợp đặc thù của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN), việc tăng vốn cũng gần như được xem là bắt buộc và cần thực hiện gấp. Bởi nếu như HVN phải tăng vốn để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, giúp doanh nghiệp giải quyết dòng tiền và trả bớt nợ trong tình trạng thua lỗ lũy kế lớn vì dịch bệnh; thì ACV đang có những trọng trách lớn mà Tổng Công ty phải đủ lớn về quy mô, tầm vóc, thể hiện qua năng lực vốn, mới có thể thuận lợi đảm đương. Cụ thể nhất như văn bản CMSC nêu là kế hoạch triển khai Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) mà theo quy hoạch được phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một rất lớn, lên tới 109.111,7 tỷ đồng (tương đương gần 4.665 tỷ USD), dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Tại cuối 2020, ACV cho biết có 29.225 tỷ đồng tiền mặt và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020-2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng. Số vốn còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... với 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động. Tuy nhiên, COVID-19 ở giai đoạn vừa qua khiến đầu tư công bị giải ngân chậm và theo đó, sân bay Long Thành với vị trí dự án trọng điểm quốc gia, có thể sẽ càng là dự án trọng tâm cần được thúc đẩy về giải ngân lẫn tiến độ thực hiện. Việc ACV nâng cao năng lực tài chính, đủ “đối ứng” quy mô cũng sẽ giúp Tổng Công ty thuận lợi biến các ghi nhớ thành hợp đồng tài trợ vốn hiệu quả hơn, nhanh hơn. Vì vậy, kỳ vọng ACV sẽ sớm được tăng vốn và thực sự vào top các donh nghiệp vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường ngay trong năm”, chuyên gia phân tích.