“Hệ giá trị” là một siêu phạm trù quá rộng lớn nhưng biểu hiện của nó luôn cụ thể. Ví dụ con cháu lễ phép với ông bà cha mẹ; người ít tuổi hơn có cách xưng hô hợp lý với người lớn tuổi…

Nói rộng ra, hệ giá trị là một không gian quan hệ mang tính lịch sử, cụ thể, trong đó bao hàm các quy ước thành văn lẫn bất thành văn. Hệ giá trị ví như dây cương giữ con người không sa vào bản ngã.

Mỗi quốc gia, dân tộc có riêng cho mình hệ giá trị riêng mang tính tương đối, cũng là “hiếu thảo” nhưng người phương Đông quan điểm khác người phương Tây…

Hệ giá trị sinh ra một cách tự nhiên nhưng khi xã hội có giai cấp và nhà nước thì nó được “điều hành” có chủ đích để phù hợp với chính sách bao trùm của mỗi quốc gia, ví dụ Việt Nam đang xây dựng “con người xã hội chủ nghĩa”, biểu hiện dễ thấy nhất trong “triết lý giáo dục”.

Hệ giá trị bị đảo lộn là một lời cảnh báo từ khi nước ta mở cửa hội nhập, chứng kiến các luồng văn hóa ngoại nhập tràn vào, đan xen với văn hóa truyền thống tạo ra những vùng “giao thoa” - hay nói cách khác một dạng tạp chất do các phản ứng pha trộn, xung đột, đứt gãy.

Những năm gần đây, hệ giá trị của người Việt thật sự đã đảo lộn, biểu hiện của nó là xuyên suốt. Nhiều người có chức vụ, quyền hạn không còn giữ được đạo đức cách mạng trong sáng; mối quan hệ giữa người với người đang xác lập tiêu chuẩn khác lạ; mối quan hệ thầy - trò đang phá bỏ tính truyền thống; mọi giá trị có thể quy về kim tiền.

Một clip của thanh niên chậm tiến được phong “thánh chửi” lại gây hào hứng đến lạ với những người trẻ, được tung hô chào đón không khác gì nhân vật nổi tiếng có ích cho xã hội.

Một thanh niên xăm trổ, bặm trợn, buôn ma túy, tín dụng “đen” nghiễm nhiên trở thành thần tượng của lớp tuổi teen, anh ta được săn đón, chào mời…

Một nhóm nữ sinh chưa hết cấp 2 có thể hành hạ bạn mình một cách dã man tàn bạo, bọn trẻ rất “già dặn” trong thủ đoạn khiến đối phương nhục nhã ê chề đến cùng tận.

Những người thầy “thả rong” cảm xúc cá nhân không còn nhận thức được vị trí cao cả của mình, gây ra những chuyện đau lòng xót ruột bôi bẩn ngành giáo dục.

Và còn vô số ví dụ khác nữa!...

Đạo đức học đường đang suy đồi

Đạo đức học đường đang suy đồi

Năm nào cũng công bố 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc, đó là những tấm gương sáng chói nhiều lĩnh vực, cần học hỏi nhân rộng. Nhưng đáng buồn thay những tấm gương ấy không làm giớ trẻ phát sốt lên như vài điều vớ vẩn!

Lỗi chưa phải ở các em, lỗi ở người lớn, lỗi của giáo dục không đủ sức định hướng tuổi trẻ tới những điều tốt đẹp, những giá trị chuẩn mực. Dĩ nhiên, bộ phận lệch lạc chỉ số ít, song như thế cũng đủ nguy hiểm.

Quan ngại thay, những sự việc trên không còn là cá biệt, nó đang phản ánh bản chất của vấn đề: giáo dục đang gặp phải những trở ngại hết sức vĩ mô - ở thượng tầng của nó, biểu hiện lẻ tẻ trong nhà trường, ngoài xã hội là hệ quả đương nhiên.

Thử hỏi, trong một môi trường giáo dục có quá nhiều “lợi ích nhóm”, quá nhiều sự toan tính vật chất của người lớn thì còn đâu không gian để giáo dục nhân cách, đức độ?

Hàng triệu học sinh sẽ nhìn vào tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Sơn La… như thế nào? Liệu các em có còn tin tưởng vào công lý, có còn tin vào thầy cô, nhà trường, có còn tin vào năng lực bản thân…?

Hàng triệu phụ huynh sẽ nghĩ sao về nhà trường, thầy cô - nơi con em họ dành cả tuổi thanh xuân để học thành NGƯỜI.

Một phụ huynh từng tâm sự với tôi rằng, con gái chị học lớp 6, chiều nào đón con về chị cũng dành mấy phút hỏi han tình hình, trong lúc tắm cho con chị không quên kiểm tra thân thể cháu.

Chị cảm thấy bị áp lực khi lúc nào cũng mường tượng cảnh con mình bị bạo hành, xâm hại như nhiều vụ việc trên báo chí. Lý do của chị thật đơn giản “không có gì đảm bảo tai họa không ập đến với con mình”.

Sự việc đau lòng mới xảy ra tại Hưng Yên, toàn bộ ban giám hiệu bị xử lý, nhưng phải làm gì để trị tận gốc vấn nạn này?  Nếu không vẫn như cái u ác tính, cắt nơi này di căn qua chỗ khác.