Từ tháng 11 năm ngoái, Amazon đã khởi động Amazon Pharmacy, cho phép khách hàng mua thuốc online theo toa và giao hàng trong vòng 2 ngày nếu họ là thành viên Prime.

Không dừng lại ở đó, truyền thông Mỹ cho biết Amazon đang lên kế hoạch xây dựng các nhà thuốc thực tế, chứ không chỉ là bán online. Những nhà thuốc này sẽ giúp Amazon tiếp cận các đối tượng khách hàng cần mua thuốc khẩn cấp.

Một số nguồn tin cho biết Amazon đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau cho các nhà thuốc này, trong đó có việc ‘biến’ một khoảnh trong các siêu thị Whole Foods thành các cửa hiệu thuốc.

Whole Foods là một chuỗi siêu thị lớn bậc nhất nước Mỹ, có khoảng 350 điểm bán, thuộc quyền quản lý của Amazon. Năm 2017, khi Amazon mua lại Whole Foods, cổ phiếu của các công ty dược đã giảm vì các bên nghi ngờ Amazon sẽ tiến vào lĩnh vực này.

Việc cải tạo cửa hàng Whole Foods thành hiệu thuốc dường như sẽ rất cồng kềnh bởi mỗi nơi đều cần trang bị thiết bị mới (và có thể mất vài năm), cũng như tuyển ít nhất 3 dược sĩ và 5 kỹ thuật viên cho mỗi nơi. Với chi phí này, mỗi cửa hàng phải bán ra 200 đơn thuốc/ngày thì mới có cơ hội hòa vốn.

Không chỉ vậy, nếu chỉ tận dụng 350 cửa hàng Whole Foods thì chắc chắn Amazon Pharmacy sẽ không đọ lại độ phủ sóng của những ông lớn khác như CVS hay Walgreens. Và đừng quên ngành bán lẻ dược phẩm trị giá 370 tỷ USD của Hoa Kỳ có sức cạnh tranh rất cao, thị trường cũng đang dần bão hòa với các cửa hàng của CVS, Walgreens, Walmart và Rite Aid.

Tuy nhiên vì có nguồn tài chính vững mạnh, nhiều chuyên gia dự đoán Amazon cũng sẽ làm nên chuyện khi mở các hiệu thuốc. Nhưng tất cả cũng chỉ mới là những thông tin ngoài lề ban đầu.

Trong khi đó tại Việt Nam, câu chuyện kinh doanh thuốc của Thế Giới Di Động (TGDĐ) không chỉ là chuyện trên giấy khi từ 2017, TGDĐ đã mua lại 49% cổ phần nhà thuốc An Khang. Kể từ đó, TGDĐ triển khai xây dựng nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh “5 tỷ” có kèm nhà thuốc An Khang.

Đại diện từ TGDĐ cho biết việc xây dựng như vậy là để tận dụng lượt khách hàng đang khá ổn định của chuỗi Bách Hóa Xanh. Theo đó, mỗi nhà thuốc có diện tích 20 - 30m2 và ngay lập tức có lượng khách tốt 100 - 150 đơn/ngày, doanh thu 200 - 300 triệu đồng/tháng.

Dù tích cực đi đôi cùng BHX, thế nhưng An Khang vẫn liên tiếp thua lỗ. Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính quý 3/2020, An Khang đã lỗ gần 9.4 tỷ đồng.

TGDĐ cho biết thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, do đó TGDĐ chỉ giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu. Không chỉ vậy quy mô bán lẻ ngành dược vẫn còn khá nhỏ, chỉ tương đương 1,6 tỷ USD trong khi cả nước có hơn 57.000 nghìn nhà thuốc và quầy thuốc.

Có thể thấy rằng ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam, thì ngành dược vẫn rất khốc liệt. Và không phải có tài chính mạnh là dám nhảy vào thị trường này.