Trước thực trạng này, Trung Quốc đã và đang kìm chế đà tăng trưởng kinh tế để dồn lực xử lý núi nợ của mình.

 Tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới hơn 285% GDP của nước này.

Tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới hơn 285% GDP của nước này.

Ngăn ngừa vỡ nợ

Nhược điểm của nền kinh tế Trung Quốc đã lộ ra sau khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương bị vỡ nợ. Đơn cử, Tứ Xuyên vay 1,76 tỷ USD để bơm vốn cho hàng chục ngân hàng nhỏ và các quỹ tín dụng nông thôn để tiếp tục nuôi sống khả năng trả nợ của bên đi vay.

Nghịch lý là càng cho vay, “bong bóng” nợ càng tăng cao, nhưng siết chặt tín dụng sẽ khiến hệ thống tài chính đói vốn dẫn đến đổ vỡ hàng loạt. Vì thế, hy sinh tăng trưởng là giải pháp tối ưu để giải quyết núi nợ.

Theo đó, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) sẽ giảm quy mô tài trợ cho nền kinh tế và “hạ nhiệt” đà tăng trưởng tín dụng.

Cắt giảm tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa nhiều dự án bất động sản, các khoản vay mua bất động sản, đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước, cho vay tiêu dùng, mua cổ phiếu… đều bị cắt giảm.

Thực hiện các biện pháp trên sẽ khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu của thị trường lớn nhất thế giới bị cắt giảm đáng kể. Dĩ nhiên, khu vực Đông Nam Á - nơi có nhiều nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên.

Tác động đến Việt Nam

Trong nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam; tính đến tháng 10/2020 tổng kim ngạch đạt 103,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37,9 tỷ USD và nhập khẩu 65,6 tỷ USD.

Hai nhóm mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều khi Trung Quốc giảm nhu cầu là nông sản và khoáng sản. Với nông sản, năm 2019 và 2020 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khá chật vật vì quốc gia này bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn chất lượng.

Với khoáng sản, hiện nước ta bán nguyên liệu thô sang Trung Quốc tới 80%, điểm đến là các nhà máy tinh chế thành phẩm. Ở chiều ngược lại, nguồn hàng linh kiện, thiết bị nhập từ Trung Quốc sẽ khó khăn hơn do nước này cắt giảm sản xuất.

Vấn đề đáng ngại nhất là hàng trăm triệu người thuộc tầng lớp bình dân ở Trung Quốc - khách hàng chủ yếu của hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cắt giảm chi tiêu khi cơ hội việc làm ít đi, thu nhập suy giảm. Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng lên mức trên 60% GDP cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các nước mới nổi và tăng 32% so với cách đây 10 năm.

Thêm vào đó, chính sách mới của ông Tập Cận Bình thực hiện giảm phụ thuộc xuất khẩu, đưa tiêu dùng trong nước thành bệ đỡ của nền kinh tế, cũng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu của nước này.