Các nhà quảng cáo sẽ không bao giờ được nhìn thấy dữ liệu do Apple thu thập, nhưng Apple hoàn toàn có thể sử dụng nó như một “vũ khí cạnh tranh”, dưới biểu ngữ của quyền riêng tư.

Apple là một công ty đặc biệt. Trong báo cáo doanh thu mới nhất, công ty đạt mức tăng trưởng 52% trong quý trước với mức tăng lớn nhất thuộc về các dịch vụ như Apple Fitness và Music. Apple đã mất 42 năm để đạt được con số 1 nghìn tỷ USD giá trị - họ chỉ mất thêm hai năm để đạt 2 nghìn tỷ USD và phần lớn các công ty sẽ không bao giờ đạt được điều đó.

Trong nhiều năm qua, Apple đã là một đối tác quảng cáo thầm lặng khi App Store và iPhone đã phát triển theo cấp số nhân đồng thời đưa internet đến với mọi người ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng những hứa hẹn gần đây của công ty về quyền riêng tư của người dùng đã tạo nên những luồng dư luận thú vị và cũng tương đối “khó hiểu” - mọi người thắc mắc quyền riêng tư ở đây là gì và Apple thực sự đang cung cấp những gì cho người tiêu dùng.

Cách thiết kế sản phẩm và dịch vụ của Apple trong những năm gần đây đã có sự khác biệt rõ rệt theo hướng đề cao quyền riêng tư của người dùng. Với việc hơn 13% dân số toàn cầu có iPhone trong tay và con số đó ngày càng tăng qua từng năm, các nhãn hàng vẫn không nắm bắt tường tận về cách mà Apple kiểm soát trải nghiệm người dùng cũng như những dữ liệu mà họ mong muốn tiếp cận.

Apple đang nỗ lực định hình lại Internet dưới sự ảnh hưởng của riêng mình, nhưng họ vẫn còn khắt khe với nhà phát triển ứng dụng. Safari vẫn còn là một trình duyệt “chậm chạp” dù chiếm tới 40% thị phần sử dụng, và các nhà phát triển ngày càng ít kiểm soát hơn cách các ứng dụng, trang web và sản phẩm của họ hoạt động trên nền tảng Apple.

Nhưng vấn đề ở đây là, Apple đề cao quyền riêng tư nhưng không nói gì về việc theo dõi. Sự “khó hiểu” nằm ở đây: Apple ra sức quảng bá và hoạt động hướng tới quyền riêng tư của bạn như một “quyền cơ bản của con người” nhưng họ vẫn sẽ theo dõi mọi vị trí, quá trình tập luyện, cài đặt ứng dụng, thời gian trên thiết bị và các chỉ số sức khỏe của bạn.

Vậy sự khác biệt giữa quyền riêng tư và theo dõi là gì? Dữ liệu vẫn đang được xử lý và đang ở trên một “đám mây” nào đó thuộc sở hữu của một công ty toàn cầu tư nhân. Apple Music được cá nhân hóa theo sở thích của bạn, Apple News đề xuất các tin tức mà bạn sẽ quan tâm, bạn có thể kiểm tra thời gian sử dụng thiết bị của mình bất cứ khi nào bạn muốn - Không khác gì lắm so với cách Facebook, Google đang “khai thác” dữ liệu người dùng để kiếm tiền.

Chỉ có điều, tất cả những việc này hoàn toàn chỉ có những ứng dụng của Apple được độc quyền khai thác. Theo quan điểm của Apple, sự khác biệt lớn về quyền riêng tư chỉ là - họ không bán dữ liệu của người dùng cho các nhà quảng cáo - như Google và Facebook vẫn làm - mà sử dụng độc quyền cho riêng mình, trong các hoạt động kinh doanh mạnh mẽ đang có đà phát triển trong những năm tiếp theo.

Chiến lược quảng cáo của Apple vì thế có thể thay đổi cuộc chơi. Hãy cùng xem xét một sản phẩm cụ thể là Airpods, khi doanh thu của chỉ một dòng sản phẩm của Apple lại nhiều bằng doanh thu của cả một công ty quảng cáo hàng đầu trên toàn cầu như WPP, Omnicom và Publicis.

Điều gì sẽ ngăn Apple tiếp cận trực tiếp các thương hiệu với “lời mời” quảng bá thương hiệu trên một trong những nền tảng điện toán di động lớn nhất thế giới với tệp dữ liệu khổng lồ về khách hàng?

Chìa khóa ở đây là tính khả dụng - các nhà quảng cáo sẽ không bao giờ nhìn thấy dữ liệu do Apple thu thập, nhưng Apple hoàn toàn có thể sử dụng nó như một “vũ khí cạnh tranh”, dưới biểu ngữ của quyền riêng tư, cá nhân hóa và trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Và đó sẽ là vũ khí “bất khả chiến bại” của Apple.