>> FPT Shop và Thế giới di động: Những cuộc đua bất tận...

Tuy vậy, chiến lược này vẫn cần lưu ý vì đối tượng khách hàng của AVAKids là trẻ em.

 Sau 5 tháng hoạt động, chuỗi AVAKids đã có 50 cửa hàng đi vào hoạt động.

Sau 5 tháng hoạt động, chuỗi AVAKids đã có 50 cửa hàng đi vào hoạt động.

AVAKids là chuỗi cửa hàng mẹ và bé của Thế giới Di động với những sản phẩm như tã sữa, quần áo, đồ chơi, xe đạp, sản phẩm tiêu dùng cho mẹ và bé, thực phẩm bổ sung, v.v.. Sau 5 tháng hoạt động, tính đến tháng 6/2022, chuỗi AVAKids chính thức cán mốc 50 cửa hàng đi vào hoạt động.

Chiến lược Lanchester

Như vậy nếu xét theo số lượng cửa hàng, chuỗi mẹ và bé của Thế giới Di động đang đứng thứ 4 trên thị trường. Đây là một con số khá ấn tượng với một tân binh như AVAKids. Đại diện từ thương hiệu này khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng, với mục tiêu mở tổng cộng 200 cửa hàng đến cuối năm nay. Hiện tại doanh thu mỗi cửa hàng AVAKids là khoảng 1,8 đến 2 tỷ đồng mỗi tháng. Tính theo mặt bằng chung thì đây là doanh số đáng mơ ước. Đặc biệt doanh thu trực tuyến của của AVAKids chiếm khoảng 25 - 30%, cao hơn mức trung bình 16% của Thế giới Di động.

Việc mở rộng rầm rộ như vậy dường như là “bài tủ” của Thế giới Di động. Trong kinh doanh, người ta gọi đây là chiến lược đánh chiếm thị phần, hay chiến lược Lanchester. Nói một cách đơn giản, các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường sẽ tìm cách mở rộng nhất có thể, lấy số lượng đè bẹp các đối thủ khác.

Chiến lược này lấy ý tưởng từ chiến tranh. Các nhà nghiên cứu ở Hiệp hội Lanchester Nhật Bản phát hiện ra rằng trong chiến tranh hiện đại, khi quân số hai bên chênh lệch khoảng 1,7 lần, thì dù bên ít quân hơn có chất lượng nhỉnh hơn cũng không thể lật ngược thế trận.

Nếu mải mê phát triển số lượng mà không chú ý chất lượng thì AVAKids rất dễ ăn trái đắng. 

Không chỉ áp dụng ý tưởng mà con số 1,7 cũng được các nhà kinh doanh áp dụng. Chẳng hạn Toyota thường có mốc mục tiêu là 40% thị phần. Bởi vì 40% là con số vừa đủ để vượt các đối thủ khác 1,7 lần thị phần trở lên.

Ở Việt Nam thị trường xe công nghệ cũng ghi nhận rất rõ hiệu ứng của chiến lược này. Chẳng hạn năm 2019, Grab chiếm đến 73% thị phần, Be chiếm 16% và GoJek 10%. Sau hai năm với hàng loạt chiến dịch tốn nhiều tiền bạc, Be và GoJek vẫn chưa thể lung lay vị trí của Grab. Đến năm 2020 thống kê cho thấy Grab chiếm 74,6% thị phần, Be chiếm 12,4% và GoJek 12,3%.

 >> Tham vọng "khó nhằn" của Thế giới di động

Mặt trái

Trước AVAKids, Thế giới Di động từng áp dụng chiến lược đánh chiếm thị phần với chuỗi Bách Hóa Xanh.
Cụ thể trong giai đoạn 8/2019 đến 8/2020, mặc dù đang trong đợt dịch COVID-19, đơn vị vẫn liên tiếp mở thêm cửa hàng Bách Hóa Xanh, nâng tổng số cửa hàng từ 783 lên đến 1.595. Xét về số lượng họ áp đảo những chuỗi bách hóa/siêu thị mini khác.

Chiến lược này là phương thức tốt để giành được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên nó cũng có mặt trái là trong thời gian mở thần tốc thì chất lượng sẽ không được được đảm bảo. Với Bách Hóa Xanh, sau khi mở rộng hàng loạt, họ cũng thu về nhiều phàn nàn về chất lượng dịch vụ, chẳng hạn tính sai giá, giá trên tem và giá tính khác nhau, v.v..

Đến năm 2022, Thế giới Di động phải tuyên bố tạm dừng mở rộng để củng cố nền tảng vận hành, nâng cao chất lượng, mở thêm nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng, v.v., sau đó mới mở rộng tiếp tục vào năm 2023.

Có lẽ với AVAKids, Thế giới Di động cũng muốn áp dụng chiến lược ưu tiên về số lượng ở giai đoạn ban đầu như Bách Hóa Xanh. Thế nhưng cần lưu ý rằng AVAKids là thương hiệu sản phẩm cho trẻ em. Do đó chất lượng luôn được đưa lên hàng đầu. Nếu mải mê phát triển số lượng mà không chú ý chất lượng thì AVAKids rất dễ ăn trái đắng. Vậy nên AVAKids cần đặc biệt lưu ý với chiến lược của mình!