Nguồn lợi nhuận lớn từ khai thác cát trái phép chỉ một nhóm người được hưởng. Trong khi đó, ngân sách lại phải trích một khoản không nhỏ cho việc cải tạo, gia cố, phòng chống sạt lở. Cần một chế tài mạnh đối với những người liên quan để chấm dứt tình trạng trên.

 

Huyện Lục Nam phải trích hàng trăm triệu cho mỗi lần khắc phục sạt lở. Ảnh Trường Sơn

Huyện Lục Nam phải trích hàng trăm triệu cho mỗi lần khắc phục sạt lở. Ảnh Trường Sơn

Theo phản ánh của người dân, từ đầu năm đến nay, bãi sông đê hữu Lục Nam bị sạt lở tại 3 vị trí thuộc xã Yên Sơn, thị trấn Đồi Ngô, xã Huyền Sơn với tổng chiều dài cung sạt khoảng 200 m.

Kiểm tra tình hình cung sạt với chiều dài hơn 60 m thuộc thị trấn Đồi Ngô vào ngày 7/4, Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định nguyên nhân dẫn đến sự cố đúng như người dân phản ánh, là tình trạng khai thác cát, sỏi diễn ra thường xuyên trong khu vực, không có sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Các tàu công suất lớn dùng vòi hút khai thác cát sâu quá mức và hướng vào phía bờ sông. Từ đó tạo nên các hàm ếch, vách đứng gây hiện tượng sập, sạt lở bờ, bãi sông.

Nguy hiểm là các khu vực sạt lở gần chân đê. Riêng bãi sông tại xã Yên Sơn năm nào cũng xảy ra sạt lở, tạo thành những cung sạt ăn sâu vào bãi, dưới chân rỗng. Tại khu vực này từ năm 2016, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo cấm khai thác nhưng theo bà Nguyễn Thị S, thôn Chản Đồng, xã Yên Sơn thì đầu năm nay vẫn thi thoảng có tàu hút cát chạy xình xịch lúc đêm khuya đến sáng sớm để hút cát trong đoạn sông bị cấm.

Ông Lương Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam lý giải, ngoài nguyên nhân khai thác cát, các sự cố xảy ra còn do dòng chảy xiết, áp sát thúc thẳng vào bờ, bãi sông đã gây ra sạt lở. Riêng năm 2019, toàn huyện xử lý 13 trường hợp, trong đó có một trường hợp khởi tố hình sự do khai thác cát tại thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng.

Cũng theo ông Tuấn, việc chấp hành quy định sau khi được cấp phép của các đơn vị, doanh nghiệp về khai thác chưa nghiêm. Chiều dài sông thuộc địa bàn lớn với hơn 40 km, xen kẹp nhiều đoạn sông giữa được cấp phép và không cấp phép, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Lục Nam tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của Hợp tác xã (HTX) Khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng Cương Sơn (đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi tại đoạn sông có bờ, bãi sạt lở) theo đúng Giấy phép khai thác khoáng sản. Nếu phát hiện vi phạm thì đình chỉ mọi hoạt động khai thác và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi giấy phép đã cấp cho HTX.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đình chỉ sai phạm xem ra còn quá nhẹ đối với những hoạt động đánh cắp tài nguyên. Và phải chăng, việc xử lý chưa đủ mạnh này là nguyên nhân mà “cát tặc” vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang?

Có lẽ cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng Huyện, thị xã, từng cá nhân cụ thể. Nếu khai thác trái phép xảy ra ở đâu trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người quản lý khu vực đó. Cần xử lý kỷ luật với những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho vi phạm.

Nếu không mạnh tay thì “cát tặc” có thể vẫn tiếp diễn, để lại những hệ lụy về sạt lở, thất thoát ngân sách khi nguồn chi cho khắc phục sự cố là không hề nhỏ.