Ông Dũng cho biết, ngày 22/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP Hoàn thiện khung pháp lý về KCN, KKT, có hiệu lực từ ngày 10/07/2018.

ông Lê Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hanaka

Ông Lê Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hanaka

Qua quá trình thực hiện trong thời gian hơn 3 năm, nghị định đã đi vào cuộc sống, tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại nên việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Sau khi tìm hiểu 8 điểm mới trong nghị định sửa đổi, ông Lê Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hanaka cho thấy còn một số điểm còn thiếu và cần làm rõ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Khu kinh tế và các nhà đầu tư như:

Thứ nhất: Điều 11: Chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Ông Dũng nhất trí với khoản a, tuy nhiên nên quy định thêm về diện tích các KCN trong các đô thị hiện nay có diện tích dưới 75ha. Hiện nay, tốc độ phát triển KT-XH, đô thị diễn ra nhanh nên đề nghị bỏ qui định về thời gian 15 năm tối thiểu hoặc 1/2 thời gian hoạt động và bổ sung về việc phù hợp với qui định này.

Đối với khoản c: Việc qui định phải có sự đồng thuận của tất cả các nhà đầu tư dự án trong KCN là rất khó thực hiện khi việc thực hiện chuyển đổi là cần thiết theo qui hoạch và theo khoản a của điều này.

Theo ông Dũng, nên có qui định: Nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được ưu tiên lựa chọn là nhà đầu tư khu đô thị, thương mại dịch vụ. Khi chuyển đổi trong trường hợp được đánh giá đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà đầu tư theo qui định của pháp luật về đất đai, đấu thầu.

Khoản 3 Điều 26 Dự thảo đang quy định: “Người sử dụng lao động, doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế có trách nhiệm đóng góp kinh phí hàng năm vào Quỹ đầu tư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý để xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế”.

"Điều khoản này nên được bỏ hoặc chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp không đáp ứng được chỗ ăn ở cho công nhân viên trong nhà máy. Vì thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân rồi nếu qui định như vậy thì sẽ không đảm bảo quyền lợi cho những doanh nghiệp đó“ – ông Dũng bày tỏ.

"Ngoài ra, các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN có trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xã hội, thể thao cho người lao động, được nhà nước giao đất xây dựng các công trình này, không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật về đất đai và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo qui định của pháp luật về đấu thầu".

Ông Dũng cũng góp ý, trong Dự thảo nghị định sửa đổi đều chưa có quy định về Thanh tra chuyên ngành tại KCN, KKT và các quy định chế tài liên quan để Ban quản lý chủ động thực hiện các nhiệm vụ trên; không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ban Quản lý. Do vậy, vị trí, vai trò và hiệu quả quản lý của các Ban Quản lý KCN, KKT còn hạn chế.

Thực tế hiện nay khung pháp lý về quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT chưa cao, vì vậy thiếu sự ổn định, bị các văn bản pháp luật chuyên ngành khác chi phối nên khi giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư gặp khó khăn. Để tạo thuận lợi trong công tác theo dõi, quản lý các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo luật định ông Dũng đề nghị bổ sung chức năng thanh tra và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Ban Quản lý.