Qũy công đoàn cần sử dụng đúng chức năng và đối tượng

Qũy công đoàn cần sử dụng đúng chức năng và đối tượng

Dịch bệnh COVID-19 khiến hàng vạn doanh nghiệp lao đao, hàng triệu lao động mất việc hoặc giảm lương. Chính phủ đã có biện pháp hỗ trợ phần nào, nhưng chưa thể nói 1.000.000đ/người/tháng là đảm bảo an sinh.

Càng về cơ sở, đối tượng được hưởng trợ cấp càng hẹp lại, trong khi đó Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ có biên độ trợ cấp khá rộng, ngoài đối tượng lao động có hợp đồng còn có lao động tự do, như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động,…

Nhiều địa phương còn có sự lạ, trưởng thôn đi vận động người dân ký đơn tình nguyện không nhận trợ cấp, và cũng có nghịch cảnh nhà hai tầng lọt hộ nghèo, còn nghèo thực sự thoát khỏi danh sách!

Đối với doanh nghiệp - chủ thể sử dụng lao động cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, vì vướng…điều kiện “cứng”. Đâu là nguồn cơn của thực trạng này? Thiếu vốn hay mắc kẹt thủ tục?

Từ câu chuyện Apple “chê” điều kiện sinh hoạt của lao động Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, đó là khả năng đầu tư cho con người để tái tạo sức lao động, nâng cao chất lượng lao động. Có phải thiếu kinh phí?.

Theo báo cáo kiểm toán, tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013 đến năm 2019) là 100.353 tỷ đồng. Số dư tích lũy tài chính công đoàn đến cuối năm 2019 gần 29.000 tỷ đồng, nhưng chưa được sử dụng đúng quy định và chưa có hiệu quả.

Nghịch lý còn ở chổ, công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp nhưng vẫn được trích lại cao, ví dụ công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%, cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 45,4%

Trong khi đó cấp công đoàn cơ sở, nơi có nhu cầu cao nhất nhưng mới trích lại 99,1%, chưa vượt 100% do phải tuân thủ tỷ lệ chi dự toán đề ra. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu.

Tài chính công đoàn phải được tái đầu tư trực tiếp cho người lao động

Tài chính công đoàn phải được tái đầu tư trực tiếp cho người lao động

Ai cũng biết, công đoàn cơ sở là tổ chức gần gũi nhất, tham gia đại diện trực tiếp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động tại doanh nghiệp hoặc nơi có sử dụng lao động

Hàng tháng, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của đoàn viên công đoàn là đóng đoàn phí. Theo đó, hàng tháng, đoàn viên đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương và tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.

Như vậy, tài chính công đoàn, ngoài phần nhỏ hỗ trợ của nhà nước thì hoàn toàn là công sức gom góp của người lao động. Về nguyên tắc minh bạch tài chính họ có quyền được biết lượng tiền đó sử dụng như thế nào, mục đích gì.

Tốt nhất, tài chính công đoàn nên làm nhiệm vụ là quỹ dự phòng rủi ro cho người lao động và người thân của họ khi tai nạn, ốm đau. Qũy này cần đóng vai trò chủ chốt trang trải kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nghỉ ngơi tái tạo cho người lao động.

Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 quỹ công đoàn lẽ ra phải giải ngân để hỗ trợ tối đa cho lao động mất việc, thậm chí qua các tổ chức tín dụng để đến với doanh nghiệp khát vốn.

Không nên “đẻ” thêm bộ máy quản lý nguồn tiền này, mà chỉ nên tạo ra cơ chế chi tiêu hợp lý, đúng mục đích nhân văn của nó. Tránh trường hợp bị “hóa mùn” như quỹ bảo hiểm xã hội.

Việc Apple “chê” điều kiện sinh hoạt của lao động Việt Nam cũng đặt ra vấn đề đối với chi tiêu tài chính công đoàn. Nguồn tiền khổng lồ này phải tái đầu tư trực tiếp cho người lao động, nâng cao chất lượng con người.

Vì sao xảy ra tình trạng vận động người dân ký đơn tự nguyện không nhận trợ cấp? Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi? Và, xa hơn, lao động Việt Nam tuy rẻ nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao tay nghề. Trong những chuyện này, 29 nghìn tỷ đồng còn dư hoàn toàn có thể tham gia giải quyết.