Như DĐDN đã thông tin, ngày 10/11, Bộ Công an thông báo, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành xác minh giải quyết tin báo về tội phạm có liên quan đến khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Tổng Công ty Sabeco).

Vi phạm quy định quản lý đất đai

Ngày 8/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng:

Ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại TP.HCM;

Ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với:

Ông Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Ông Đào Anh Kiệt, sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trú tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ông Trương Văn Út, sinh năm 1970, Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trú tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ông Lê Văn Thanh, sinh năm 1962, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, trú tại phường 4, quận 3, TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Chương, sinh năm 1974, Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM, trú tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan tại các sở, ban, ngành của TP HCM, Bộ Công thương và Tổng Công ty Sabeco để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án khác liên quan đến sai phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).

Nguyên nhân từ việc cho thuế đât và doanh nghiệp...  “thoái vốn”

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, việc ông Nguyễn Hữu Tín, ông Đào Anh Kiệt cùng 3 bị can bị khởi tố do liên quan đến quá trình xử lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM.

Trước đó, Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công. Tuy nhiên, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt, vào tháng 6-2015, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.

Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này. Ngoài ra, nếu Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho nhà nước thì UBND TP HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl, để rồi sau đó Sabeco thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland (1 trong 4 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl, vốn điều lệ ban đầu chiếm 23%) và bán khu đất vàng với giá "siêu rẻ". 

Trước những sự việc nêu trên, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 đối với Sabeco.

Theo đó, tại Quyết định số 1443/QĐ-KTNN ngày 29-9-2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), KTNN khu vực IV đã tiến hành kiểm toán từ ngày 4/10/2017 đến 1/12/2017. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm về quản lý, sử dụng vốn nhà nước của Sabeco, trong đó có việc bán khu đất vàng 2-4-6 hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM, siêu rẻ và nhanh do thẩm định giá thoái vốn.

vốn khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM, với giá siêu rẻ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

khu đất vàng 4 mặt tiền 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM, được Sabeco bán với giá siêu rẻ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo kết luận của KTNN, Sabeco Pearl có vốn điều lệ gần 566,7 tỷ đồng, và Sabeco sở hữu 26% vốn cùng với 3 cổ đông sáng lập ban đầu là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty CP Attland (23%)... Việc thành lập Công ty nhằm phục vụ triển khai dự án tại khu đất vàng có diện tích hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Khu đất này là nơi triển khai dự án Sài Gòn Mê Linh Tower với quy mô 3 tầng hầm, khối đế 9 tầng, 2 tháp cao 48 tầng và 36 tầng.

Tuy nhiên, năm 2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐ-SABECO/2016 với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu, và chỉ thu về  được 195 tỷ đồng. Và mức giá này được cho là "siêu rẻ" so với giá trị thực, đặc biệt là giá trị của khu đất vàng tại địa chỉ ở tại thời điểm nêu trên.

Liên tiếp là những khoản đầu tư thua lỗ “ngoài ngành”!

Cũng theo kết luận của  KTNN,  Sabeco phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn, khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỷ đồng, tương đương là 77,8% giá trị đầu tư, bao gồm: Khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông được Sabeco trích lập dự phòng hơn 154 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Á hơn 126 tỷ đồng; Công ty PVI Sài Gòn 39,3 tỷ đồng; Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 33,7 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Đại Việt gần 16 tỷ đồng. Và trong số này, khoản đầu tư rót vốn là mua trái phiếu Vinashin khiến tổng công ty phải trích lập dự phòng hơn 20,8 tỷ đồng, bằng 100% giá trị đầu tư; khoản đầu tư hơn 136 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đông Á, cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu do ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt. Điều đáng nói là “hầu hết các khoản đầu tư này đều nằm ngoài ngành nghề chính của Sabeco”.

Trước những kết quả nêu trên, KTNN đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đầu tư góp vốn, mua trái phiếu tại 10 doanh nghiệp dẫn đến kinh doanh thua lỗ đã nêu trên.

Ngoài ra, KTNN cũng đã chỉ ra những sai phạm liên quan đến chi thưởng cho ban lãnh đạo của Sabeco trong năm 2016, cụ thể: Sabeco đã chi cho chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng với số tiển hơn 12 tỷ đồng, tương đương 20 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý. Trong khi đó, mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại Nghị định 71 năm 2013 chỉ là 1,5 tháng lương.

Lợi nhuận 2.400 tỷ đồng nhưng không nộp ngân sách nhà nước?

Từ những kết quả thanh tra của KTNN cho thấy, thấy lợi nhuận sau phân phối tại thời điểm ngày 31/12/2016 của Sabeco hơn 2.800 tỷ đồng. Sabeco đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý I/2017. Như vậy, lợi nhuận còn lại của các năm từ 2016 trở về trước là hơn 2.700 tỉ đồng.

Căn cứ vào tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco vào thời điểm 31/12/2016 là 89,59%, KTNN kiến nghị Sabeco nộp ngân sách nhà nước lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước hơn 2.400 tỷ đồng.

Đánh giá nguồn thu ngân sách đã bị ảnh hưởng, KTNN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Bộ Công Thương trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước. Bộ phận đại diện vốn tại Sabeco cũng bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm về việc không đề xuất phương án phân phối tiếp lợi nhuận còn lại của năm 2016.