Lợi ích của Bancassurance
Mô hình bancassurance là sự hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, nhằm phân phối các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và phi nhân thọ. Trong đó, các công ty BHNT có ưu thế là các sản phẩm lâu đời với đa dạng quyền lợi; còn ngân hàng có lợi thế về lượng khách hàng tiềm năng, nhân lực có sẵn và mạng lưới phủ khắp.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ cũng với sự chuyên nghiệp của các ngân hàng đã và đang mang đến sự tiện lợi, các dịch vụ một cửa tối ưu trong việc đưa sản phẩm bảo hiểm đến với khách hàng. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đang tích cực hợp tác nhằm khai thác và phát huy các thế mạnh của nhau.

Như vậy, trong mô hình bancassurance, ngân hàng đóng vai trò là người trung gian bán hộ các sản phẩm bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm. Ngân hàng được hưởng phần thu nhập từ hoạt động khai thác khách hàng tính theo doanh thu phí bảo hiểm.

Các chuyên gia cho rằng, với sự chuyển dịch dần theo hướng tăng nguồn thu phí dịch vụ và nâng cao hiệu quả trong kinh doanh đang diễn ra ngày càng rõ nét, thì việc hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm là xu thế tất yếu. Theo đó, các công ty bảo hiểm liên kết với các ngân hàng để cung cấp các dịch vụ bảo hiểm đến các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, như triển khai các sản phẩm đầu tư, sản phẩm liên kết để cùng với ngân hàng cung cấp sản phẩm “bảo hiểm - ngân hàng” trọn gói cho khách hàng; Kết hợp với ngân hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi; Vay tiền ở ngân hàng thông qua hợp đồng bảo hiểm...

Tiềm năng lớn

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – IAV, nếu năm 2016 kênh bancassurance chiếm khoản 10% doanh thu của các công ty BHNT, thì năm 2018 tỷ lệ này đã tăng lên 20% và dự báo có thể cán mốc 50% trong 3 năm tới.

Chính vì sự tiện ích và tăng trưởng từ kênh bancassurance đã dẫn đến những cái bắt tay hợp tác độc quyền và dài hạn từ 10 -20 năm. Điển hình nhất là Sacombank hợp tác với Dai-ichi Life cung cấp dịch vụ bảo hiểm lên đến 20 năm; Techcombank thỏa thuận hợp tác với Manulife trong 15 năm, Nam A Bank hợp tác với FWD trong 15 năm...

Ngày 19/10 vừa qua,  Generali Việt Nam và Ngân hàng OCB đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với thời hạn 15 năm. Với hợp tác này, OCB sẽ phân phối độc quyền các sản phẩm BHNT của Generali Việt Nam như: Vita – Sống tự tin, Vita – Lá chắn vàng, Vita – Sống lạc quan, Vita – Sống thịnh vượng...

OCB là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động và các sản phẩm của Ngân hàng

OCB là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng Fintech vào hoạt động và các sản phẩm của ngân hàng

Theo Dai-ichi Life, sau 2 năm "bắt tay" với Sacombank, tính đến cuối tháng 8/2019, doanh thu phí từ kênh bancassurance đạt gần 1.200 tỷ đồng với hơn 300.000 hợp đồng được phát hành, vượt xa so với kế hoạch đã đặt ra. Đạt được kết quả đó là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của hai bên trong việc thực hiện cam kết đầu tư nguồn lực, sản phẩm ưu việt và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, theo đại diện ACB, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ kênh bancassurance của ACB đã tăng trưởng tới 250%, lọt vào Top 5 bancassurance toàn thị trường và dự kiến doanh thu vào khoảng 600 tỷ đồng trong năm nay. Đồng thời, ACB còn đặt kế hoạch tăng thu nhập từ kênh này gấp 3 lần năm trước và tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm ở mức hơn 90%.

Tuy nhiên, tại những thị trường phát triển trên thế giới, nguồn thu từ bancassurance có thể chiếm đến 70% doanh thu phí của các công ty bảo hiểm. Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là các công ty bảo hiểm cần đầu tư cho đội ngũ đại lý, chăm sóc khách hàng, huấn luyện đội ngũ nhân sự ngân hàng để nhân viên ngân hàng có thể trở thành chuyên viên tư vấn tài chính chuyên nghiệp.