Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh chụp từ Google Eath)

Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh chụp từ Google Eath)

Mekong Connect 2020 với chủ đề chính “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ chính thức khai mạc ngày 21/12/2020 tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Báo cáo thường niên về ĐBSCL đã được VCCI và Trường chính sách công Fullright công bố. Trong đó là những đánh giá khá công phu, nhiều số liệu và phân tích có tính cảnh báo về những bất cập, sa sút của đồng bằng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự chậm thay đổi thể chế và chính sách.

ĐBSCL bị bỏ quên hay nội tại các địa phương thiếu năng động? Theo tôi, cả hai nguyên nhân này đều góp phần. Vài thập kỷ trước, vùng đồng bằng này được giao một nhiệm vụ cao cả và duy nhất là “đảm bảo an ninh lương thực”, có công đưa Việt Nam thành cường quốc lúa gạo.

Nhưng vì sao ĐBSCL không thể giàu lên nhờ lúa gạo? Vụ hè thu 2020, báo chí loan tin vui “giá lúa ở Đồng Tháp tăng nhẹ” từ 5.600đ/kg lên 5.700đ/kg. Thử nhẩm tính phải bán 1 tấn lúa mới mua được 1 trái dưa hấu Nhật Bản có giá hơn 5 triệu đồng được trồng… bằng đất, nhưng kiểm soát chất lượng kỹ càng bằng công nghệ.

Một chủ vựa lúa ở Cần Thơ chia sẻ, ông vừa bán 250 tấn lúa Jasmine 85 trữ từ vụ Đông Xuân 2019-2020 với giá 7.500 đồng/kg, tính ra đã có lãi 1.000 đồng/kg so với lúc mua vào.

Với bài toán kinh tế mà nói, để sản xuất, thu hoạch, dự trữ, xử lý, bảo quản 250 tấn lúa tốn rất nhiều công sức và thời gian nhưng phần lãi không đủ mua 1kg thịt bò Kobe loại trung bình!

Loại lúa ngon IR504 vụ Đông Xuân được các chủ vựa bán lại là 7.500 đồng/kg sau khi mua vào kịch trần 5.700 đồng/kg. Như vậy, thương lái “ngồi chơi xơi nước” cũng kiếm được 2.000đ/kg, lớn hơn rất nhiều phần lãi của người nông dân sau khi trừ chi phí, thuốc men, công cán, hao mòn sức khỏe, khấu hao tài nguyên.

Thậm chí, vụ việc Tổng chục Hải quan “hé cửa” cho đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo vào lúc 0h00 chủ nhật 12/4 làm dấy lên nghi ngại có “lợi ích nhóm” nhảy múa trên hạt gạo, quân ta đánh quân mình.

Một sản phẩm đặc hữu của gần 20 triệu người, tạo nên thương hiệu quốc gia nhưng chưa có cơ chế nào kiểm soát rủi ro; chưa có một liên minh nghề nghiệp độc lập nào đủ mạnh để tác động đến chính sách, thị trường.

Về cơ bản, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay vẫn như xưa

Về cơ bản, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay vẫn như xưa

Phương thức sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay cơ bản vẫn theo hình thức lấy sản lượng bù chất lượng, một tập tính nông nghiệp của tiền nhân có từ thời khai thiên lập địa vẫn chưa thể từ bỏ được.

Đã biết vì sao dân ĐBSCL khó giàu và kinh tế vùng này mãi lẹt đẹt so với cả nước mặc dù thiên nhiên ưu đãi. Sản xuất lúa gạo không mang lại thặng dư nhiều hơn cho người nông dân, trong khi đó thương lái, doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn sống khỏe.

Cái nghèo xuất phát từ chỗ, một mặt sản xuất lúa gạo không mang lại hiệu quả kinh tế cao, đa phần nông dân lấy công làm lãi; mặt khác khả năng phân phối trở lại qua công cụ điều tiết vĩ mô có vấn đề. Đó là hiện tượng thương lái dễ dàng kiếm được 2.000đ/kg lúa sau khi mua vào với giá hơn gấp đôi số này, còn nông dân chỉ đủ duy trì cuộc sống. Đây là bất công!

Báo cáo thường niên cũng chỉ rõ năm 1990 GDP của TPHCM chỉ bằng 2/3 ĐBSCL, nhưng đến năm 2010 so sánh này đã đảo ngược. Trong 2 thập kỷ đó TPHCM phát triển rất nhanh nhờ công nghiệp hóa, vốn FDI ào ạt đổ về. Định lượng này có thể rút ra hai kết luận:

Một là, công nghiệp hóa là con đường duy nhất thoát nghèo - với ĐBSCL đó là công nghiệp hóa nông nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Hai là, nhờ thể chế tốt, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông, logictics mạnh nên TPHCM vượt mặt ĐBSCL.

Số liệu doanh nghiệp tại ĐBSCL mà báo cáo nêu thật suy nghĩ, 13 tỉnh chiếm gần 20% dân số mà tổng số doanh nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Dĩ nhiên rồi, khi không cảm thấy an tâm với mảnh đất nơi mình sinh ra thì con người tìm cách bỏ đi. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.

Tất cả mọi chuyện xảy ra hôm nay với ĐBCSL đều có nguyên nhân từ lúa gạo. Song, nếu bỏ lúa gạo thì sự tan rã của đồng bằng này sẽ diễn ra nhanh hơn. Đừng bắt vùng đất nông nghiệp này phải làm nghề khác, như thế là bỏ sở trường theo sở đoản.

Vấn đề là khi nào người Việt có các loại lúa gạo, dưa hấu, sầu riêng, măng cụt, xoài đạt đến đẳng cấp “cực phẩm” có thể bán với giá vài triệu đồng 1kg?