Điều này đã giảm 56% số lượng hồ sơ như mẫu biểu, tờ khai, văn bản đề nghị; giảm 78% quy trình, thao tác nghiệp vụ. Những kết quả trên của ngành BHXH nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)...

 p/Trung tâm Dịch vụ khách hàng tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ khách hàng tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Minh, thời gian qua ngành BHXH đã thực hiện một loạt các giải pháp quyết liệt cải cách hành chính. Đơn giản hóa các TTHC là một phần không thể tách rời và hướng đến mục tiêu tạo ra sự thuận lợi trong quan hệ giữa cơ quan BHXH với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Số TTHC được cắt giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục, giảm 56% số lượng hồ sơ như mẫu biểu, tờ khai, văn bản đề nghị; giảm 82% các chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 78% quy trình, thao tác nghiệp vụ. Thời gian thực hiện các TTHC để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp được rút ngắn, qua đó cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phấn đấu 100% doanh nghiệp giao dịch điện tử

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho biết, những nỗ lực của ngành BHXH trong thời gian qua đã được Chính phủ, người dân và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng BHXH Việt Nam sẽ không bằng lòng với kết quả đã đạt được trong việc cải cách TTHC.

Để cắt giảm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện một số nhiệm vụ như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đó tập trung triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Ngành BHXH tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC và đề xuất với Chính phủ, các bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng phấn đấu đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua giao dịch điện tử. Đồng thời, công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố sẽ được tăng cường nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC nhằm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. 

Trích 80 tỷ đồng từ quỹ BHXH để điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ

Từ ngày 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%).

Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ có mức lương hưu bị thiệt hơn trong mối tương quan với lao động nam. Cụ thể số lao động nữ bị thiệt năm 2018 là 20,5 nghìn người; 22 nghìn người vào năm 2019; 23,5 nghìn người vào năm 2020 và 25,1 nghìn người vào năm 2021. Vì vậy, Chính phủ nhận thấy cần có phương án xử lý để khắc phục hạn chế nêu trên, giảm thiểu tác động đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 4 năm, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021.

Chính phủ đưa ra phương án sẽ cấp bù để nhóm lao động nữ chịu ảnh hưởng bởi chính sách này đỡ thiệt thòi, bằng cách hỗ trợ số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính Luật BHXH (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới. Cụ thể, sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu năm 2018 là 8%; 2019 là 6%; 2020 là 4%; 2021 là 2%...