dfgg

Cách giải thích mới đây của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến ngày 18/3/2021, gây ngỡ ngàng và bất ngờ cho người nộp thuế. Ảnh minh họa

Theo thông báo của Tổng cục Thuế ngày 18/3/2021: “Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa 02 bên là giao dịch liên kết”, đang khiến 7.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên “gặp khó” về báo cáo tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Cùng với đó, quy định nêu tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP không phải là quy định mới, bởi từ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã có quy định này: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

Đến nay, quy định trên đã thực hiện liên tục được gần 05 năm, qua 03 kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2017, 2018, 2019, chưa có doanh nghiệp nào và cũng chưa có cơ quan thuế nào xác định quan hệ cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp là giao dịch liên kết. Nhưng, chính cách giải thích mới đây của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến ngày 18/3/2021, gây ngỡ ngàng và bất ngờ cho người nộp thuế.

Quy định “mới” từ thông báo này của Tổng cục Thuế, không chỉ khiến 7.800 doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên “gặp khó” mà sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước rơi vào cảnh tương tự bởi đây là quy định chung, được thông báo công khai, áp dụng cho mọi doanh nghiệp.