Gạo có lẽ là mặt hàng nếu không phải là duy nhất thì chắc cũng đứng đầu với việc có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, trong đó không thể không nói tới chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tới cuối thập kỷ này, vẫn đang gây lo lắng vì đang bị thực tế bỏ rơi. 

 Biến động diện tích đất trồng, sản lượng lúa qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ NN&PTNT

Biến động diện tích đất trồng, sản lượng lúa qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ NN&PTNT

Ngay tại thời điểm có hiệu lực, chiến lược xuất khẩu gạo chẳng mấy ăn nhập với thực tế và cũng đã có những quan điểm khác nhau về phát triển mặt hàng này.

“Cờ ngoài” hay “bài trong”?

Trước hết, với 5 quan điểm chiến lược, các nhà quản lý nước ta đã chốt lượng gạo xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020 là 4,5 – 5 triệu tấn/năm với giá trị 2,2 – 2,3 tỷ USD, tức là giá bình quân phải đạt 489 – 511 USD/tấn; còn bộ ba mục tiêu cho thập kỷ hiện nay lần lượt là 4 triệu tấn/năm, 2,3 – 2,5 tỷ USD và 575 – 625 USD/tấn.

[  Do tầm quan trọng của chiến lược xuất khẩu gạo, nên chiến lược này cần được soi chiếu một cách kỹ càng, và một khi đã như vậy, cũng cần quan tâm đúng mức để chiến lược này đi vào cuộc sống. ]

Trên thực tế, với lượng xuất khẩu 6,14 triệu tấn/năm, chúng ta đã vượt mục tiêu 22,7– 36,4%, nhưng cũng chỉ cao hơn không đáng kể so với 4 năm trước đó (6,08 triệu tấn/năm). Trong khi với giá bình quân 473 USD/tấn, tuy vẫn còn thấp hơn giá mục tiêu (489 – 511 USD/tấn) 3,2 – 7,4%, nhưng đã cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 6,4% (445 USD/tấn).

Trong khi đó, từ hàng chục năm nay, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn không ngừng tăng. Dự báo gần đây nhất của cơ quan này cho rằng, nhập khẩu gạo của thế giới năm 2019 là 45,9 triệu tấn, nhưng sau đó 10 năm thì tăng lên 54,9 triệu tấn, còn phần đóng góp của chúng ta tăng từ 6,5 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn.

Tương tự như vậy, nhưng FAO – OECD lại đánh giá vai trò của chúng ta cao hơn rất nhiều, bởi hai con số mà họ đưa ra đối với chúng ta lần lượt là 7 triệu tấn và 9 triệu tấn.

Có lẽ, cái lý để dự báo xuất khẩu gạo của chúng ta còn tiếp tục tăng nằm ở hai điểm mấu chốt. Đó là, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn tiếp tục tăng và trong bối cảnh như vậy, năng suất cao vượt trội của chúng ta đồng nghĩa khả năng cạnh tranh và đạt lợi nhuận thoả đáng.

Đưa chiến lược đi vào cuộc sống

Cho dù là chiến lược nào đi chăng nữa, thì hai vấn đề có lẽ thuộc loại mấu chốt sau đây lại chưa được quan tâm đầy đủ:

Thứ nhất, muốn có gạo xuất khẩu được giá thì phải có chất lượng và chất lượng trước hết được thể hiện ở thương hiệu. Trong khi những mục tiêu cụ thể về gạo có thương hiệu cũng đã được ấn định, nhưng cánh đồng lớn ở vựa lúa lớn nhất nước lại ngày càng nhỏ dần.

Rõ ràng, nếu chỉ có những doanh nghiệp nhỏ thực sự chăm lo cho thương hiệu của mình, xây dựng các chuỗi liên kết; còn những “ông lớn” trong làng xuất khẩu gạo vẫn cứ gom hàng ngoài chợ để xuất khẩu, thì mục tiêu “chuyển lượng thành chất” có tầm quan trọng đặc biệt của chiến lược không có ý nghĩa.

Thứ hai, việc xử lý mâu thuẫn giữa hai quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh lương thực có lẽ vẫn còn để ngỏ.

Trước hết, nếu “căn ke” theo chiến lược hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là duy trì sản xuất lúa gạo đủ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu từ nay đến năm 2030 như nói trên thì mới đạt hiệu quả kinh tế - xã hội; còn diện tích đất lúa còn lại thì chuyển sang các mục đích sử dụng khác cho hiệu quả cao hơn.

Về quy mô diện tích đất lúa nên chuyển đổi, ý kiến có lẽ mạnh bạo nhất mà một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã nêu là chỉ nên giữ trên dưới 3 triệu ha.

Trong khi đó, như dự báo của Liên Hợp Quốc cho thấy, theo phương án trung bình, mức kỷ lục của dân số nước ta sẽ là 116 triệu người vào năm 2059, còn theo phương án cao thì sẽ rất “khủng” tới 163 triệu người vào cuối thế kỷ này mà vẫn chưa biết đó đã phải là kỷ lục hay chưa.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, một phần diện tích hai vựa lúa lớn nhất nước sẽ bị nước biển nhấn chìm, nên những “báu vật quốc gia” này sẽ bị thu nhỏ tương ứng, nếu như không có phương án quai đê biển giống như Hà lan để giữ, hoặc phương án này không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh lương thực trong nước đương nhiên xung đột lẫn nhau trong tương lai. Bởi lẽ, rất có thể là an ninh lương thực trong nước cho gần 100 triệu dân hiện nay không đủ bảo đảm cho quy mô dân số rất lớn như vậy, hoặc là do biến đổi khí hậu dẫn đến năng suất lúa thấp hơn trong tương lai xa hơn...

Điều này có nghĩa, từ quỹ đất lúa thực sự là “báu vật quốc gia” mà ông cha chúng ta từ hơn một nghìn năm nay đã tạo dựng, giữ gìn, tu bổ có thể bảo đảm an ninh lương thực cho cả các thế hệ người Việt nam mai sau, nhưng chỉ vì hiệu quả kinh tế - xã hội trong một thời kỳ ngắn ngủi trước mắt mà chúng ta bị vuột mất, bởi phần diện tích đất lúa đó không bao giờ có thể tái tạo được.