Bỗng dưng…vi phạm

Gia đình bà Vũ Thị Tình đến xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) sinh sống từ những năm 90, khi vùng đất vẫn còn hoang hóa, khô cằn. Vốn yêu lao động, gia đình bà đã khai hoang, trồng rừng, đào ao, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong sự khuyến khích của chính quyền địa phương. Rồi gia đình bà đã có cả một vùng trang trại nuôi trồng rộng lớn, mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho 50 lao động và có nhiều đóng góp cho địa phương như làm đường, xây nhà tình nghĩa…

 

Hàng tỷ đồng đầu tư cùng nhiều đóng góp tích cực cho địa phương của bà Tình giờ đều

Hàng tỷ đồng đầu tư cùng nhiều đóng góp tích cực cho địa phương của bà Tình giờ đều "đổ nát" bởi sự "phủi tay" của chính quyền. Ảnh Lê Cường

Mô hình của bà Tình cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người dân trong xã làm theo và có cuộc sống khấm khá hơn. Bà từng được nhận bằng khen “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đức Đam (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) và nhiều bằng khen giấy khen khác của chính quyền các cấp. Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái đã từng xuống thăm trang trại và khuyến khích gia đình nhân rộng mô hình.

Như được tiếp sức, bà đã mạnh dạn đầu tư tôn tạo các ao, đầm nuôi tôm với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong đó có cả một trạm biến áp “khủng” hơn trạm của cả xã Quảng Nghĩa nhằm cung cấp điện cho các ao nuôi tôm với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Nhưng khi đồng vốn còn chưa thu hồi. Mảnh đất của gia đình nằm trong diện giải phóng xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, một quyết định giáng xuống khiến gia đình bà cũng như 11 hộ dân có đầm nuôi trong khu vực choáng váng. Quyết định thu hồi đất lấn chiếm trái phép không đền bù mà chỉ hỗ trợ với cái giá “bèo bọt”. Gia đình bà có 23.718,1m2, trong đó: hơn 9.076,6m2 đất rừng và  14.096,7m2 đất NTTS được bồi thường 28 triệu tiền đất còn tài sản, công trình trên đất NTTS chỉ được khoảng 300 triệu trong khi đó gia đình bà đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.

Tấm bằng khen được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thời điểm đó, nay là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khen tặng hộ fia đình bà Tình vì có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế trên chính mảnh đất mà chính quyền hiện tại cho rằng bà làm không đúng. Ảnh Lê Cường

Tấm bằng khen được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thời điểm đó, nay là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chứng nhận gia đình bà Tình là hộ nông dân sản xuất kinh tế giởi trên chính mảnh đất mà chính quyền hiện tại cho rằng bà làm không đúng. Ảnh Lê Cường

“Gia đình sử dụng đất có nguồn gốc rõ ràng, được các các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và cho phép, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật. Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi còn là mô hình lớn, điển hình được chính quyền địa phương khuyến khích, khen ngợi và nhân rộng, vậy có lý gì mà không được bồi thường?”, bà Tình nói, vẻ mặt thẫn thờ như không thể tin cái kết luận trái phép kia là sự thật.

Hay như câu chuyện của cha, con ông Đàm Văn Hào, Đàm Thanh Tùng, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Theo ông Hào, những năm 2000 gia đình ông bắt tay cải tạo, đắp bờ làm đầm thì nơi đây gần như hoang hóa với xung quanh là sú vẹt và nằm trong cánh đồng có tên “Cánh đồng chết”, thường xuyên ngập lụt, bị bỏ hoang từ nhiều năm. Thời điểm này, Nhà nước đang có chính sách khuyến khích nhân dân khai hoang, vỡ hóa, bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất. Hưởng ứng chủ trương, gia đình ông Hào bắt tay cải tạo vùng đầm hoang này.

Vốn là người yêu lao động, ông Hào cùng con trai là anh Đàm Thanh Tùng đã bỏ nhiều mồ hôi, công sức  đắp tuyến đê bao cho con đầm hơn 2ha để phát triển kinh tế. Một vùng đất chết, quanh năm ngập lụt, qua bàn tay cha con ông đã trở thành một đầm nuôi với thành quả là những lứa vịt, cá, ếch và sen cho thu hoạch. Vào mùa, hoa sen nở đỏ, lá sen xanh mướt, ai đi qua cũng trầm trồ. Hai cha con càng thêm phấn khởi, hăng hái với con đầm.

Bằng khén của chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tặng gia đình anh Tùng vì có thành tích sản xuất kinh tế giỏi thời điểm 2007, nay lại bị cho là trái phép. Ảnh Lê Cường

Những cánh rừng bao năm được người rồng chăm bón bằng mồ hôi, công sức trong sự ủng hộ của chính quyền. Nhưng khí dự án đi qua thì họ chỉ nhận được một quyết định vô cảm, sai phạm và không đền bù. Ảnh Lê Cường

Thành tích này đã khiến địa phương tự hào. Và năm 2011, chính địa phương đã lựa chọn, giới thiệu gia đình ông Hào như một đại diện tiêu biểu về thành tích khai hoang, vỡ hóa, phát triển kinh tế của địa phương đi dự Hội nghị tuyên dương Hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 2011-2014 và tại hội nghị này, gia đình ông đã được đích thân chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đọc trao tặng bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua hộ nông sản xuất giỏi cấp tỉnh”.

Suốt quá trình 15 năm làm đầm không bị coi là trái phép, thậm chí còn được biểu dương, ca ngợi, khen thưởng như mẫu hình về thành tích làm giàu tên vùng đất hoang hóa. Thế nhưng, khi địa phương có dự án thu hồi đất thì chính quyền xã, huyện Hoành Bồ cũ “quay ngoắt 180 độ”, hùng hồn khẳng định đó là hành vi lấn chiếm trái phép và tuyên bố phương án bồi thường bằng không (0)!!! Ông Hào sửng sốt, chạy xuống xã, lên huyện để hỏi cho ra lẽ. Ở đâu cũng là một câu lạnh lùng “trái phép”! Ông giơ tấm bằng khen của UBND Tỉnh ra kêu than: phải chăng tấm bằng khen này cũng trái phép?

“Sau này gia đình khiếu nại cùng sự phản ánh của báo chí, thì chính quyền huyện Hoành Bồ thời điểm 2018 đã chi trả cho gia đình tôi một chút vốn liếng. Tuy nhiên, nó quá ít so với những gì mà gia đình đã bỏ công sức suốt bao năm qua. Và quan trọng là tại sao, họ lại quy cho gia đình trái phép khi những tấm bằng khen của họ vẫn còn đó và tại sao nếu có chế độ bồi thường mà họ không làm ngay từ đâu mà đợi đến khi báo chí vào cuộc, gia đình khiếu kiện họ mới chịu chi?” ông Hào đặt câu hỏi và nghi vấn, phải chăng những người thực thi việc bồi thường GPMB cố tình giấu đi nhằm trục lợi cho bản thân, chỉ đến khi không thể họ mới chịu “nhả” ra?

“Đánh võng” chính sách?

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện đã từng xảy ra trong chuỗi những câu chuyện tương tự trong cả nước. Một số người sau rất nhiều lần đệ đơn chỗ này, khiếu nại chỗ kia thì được bồi thường chút ít, một số khác thì cay đắng vì cái sự “gần như mất trắng”. Chính quyền ở đâu? Quản lý đất đai thế nào? Tại sao không có dự án thì “được phép”, không bị xử phạt, không bị thu hồi, lại còn khuyến khích khiến nhiều người yên tâm bỏ của, bỏ sức đầu tư mà khi có dự án lại trở thành “trái phép” và bồi thường bằng “0” khiến người dân bổ chửng, bổ ngửa vì bất ngờ?

Tại sao dự án rục rịch, mới “ba chân bốn cẳng” rà soát nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất để đưa ra những kết luận hoàn toàn bất lợi cho người dân như vậy? Đây là câu hỏi nhiều hộ dân đang cần câu trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền. Người dân có thể do không am hiểu pháp luật đất đai nhưng họ tin vào chủ trương khuyến khích của nhà nước, tin vào sự ủng hộ của chính quyền suốt thời gian dài. Lẽ nào sự thiệt hại mà người dân phải gánh chịu không phải do căn nguyên từ sự bất nhất của chính quyền hay sao? Và chính quyền, không lẽ vô can với sự bất nhất này?

Những cánh rừng bao năm được người rồng chăm bón bằng mồ hôi, công sức trong sự ủng hộ của chính quyền. Nhưng khí dự án đi qua thì họ chỉ nhận được một quyết định vô cảm, sai phạm và không đền bù. Ảnh Lê Cường

Những cánh rừng bao năm được người rồng chăm bón bằng mồ hôi, công sức trong sự ủng hộ của chính quyền. Nhưng khi dự án đi qua thì họ chỉ nhận được một quyết định vô cảm - "sai phạm và không đền bù". Ảnh Lê Cường

Có thể  nói, trong việc GPMB với những trường hợp này, cần phải căn cứ vào yếu tố lịch sử của việc sử dụng đất đai “căn” vào chủ trương khuyến khích khai hoang, phục hóa của Nhà nước và sự “đồng thuận” của địa phương trước đây với người dân để có chính sách bồi thường hợp lý, hợp tình. Chữ “trái phép” cần được sử dụng một cách thận trọng và rất cần một lời xin lỗi từ phía chính quyền trong trường hợp từ “trái phép” áp dụng không đúng, gây tổn thương và thiệt hại cho bà con.

Ở đây chúng tôi chưa muốn đề cập đến khả năng có những trường hợp người thực thi bồi thường có mục đích vụ lợi khi cố tình “chuyển” việc sử dụng đất vào khung “trái phép” để “toa rập” với chủ dự án nếu đó là những doanh nghiệp, hòng bớt tiền bồi thường đáng ra phải trả cho người dân để hưởng lợi. Trong trường hợp GPMB cho các dự án công, từ “trái phép” được đưa ra như một cách buộc người dân phải chi ra khoản tiền bồi dưỡng cho người thực hiện đền bù để sau khi đã được nhận khoản “lót tay” đó họ sẽ cho nó lại quay lại mục “được phép” và người dân được đền bù.

Trong trường hợp nếu người dân nào không hiểu hoặc không muốn hiểu cần phải chi thì đất đai họ đang canh tác sẽ chính thức áp “trái phép” với mức bồi thường bằng “0”. Vì vậy, một lần nữa xin được nhắc lại cần một chính sách rõ ràng, thống nhất và cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ với các dự án thu hồi đất đai với những diện tích đất canh tác nằm trong diện khai hoang, phục hóa theo từng thời kỳ lịch sử nhằm tránh cho người dân những rủi ro, thiệt hại không đáng có.

Tiền bạc, công sức, niềm hi vọng về sự ổn định việc làm, thu nhập và cao hơn là danh dự bỗng chốc biến thành mây khói. Những ngày tháng nhọc nhằn đơn từ, khiếu nại để tìm lại quyền lợi, sự công bằng kéo dài với kết quả nhiều khi là sự vô vọng và uất ức.

Còn những nhà quản lý thì sao? Những người thậm chí không chỉ đồng ý mà còn động viên, khuyến khích bà con đầu tư thì cứ như uống phải liều thuốc quên, quên hết sự đồng tình, quên hết những lời động viên, quên hết những tấm bằng khen, giấy khen. Không, thực ra họ không quên mà chính xác là họ phủi tay, vô trách nhiệm. Mặc dầu vậy, họ chẳng sao hết vẫn “tưng tửng” tại vị. Một sự bất công?