>> BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Lạc quan dòng vốn đầu tư

>> BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG 2022: Khơi thông pháp lý cho thị trường

Phát biểu tại Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 12/1, ông Lưu Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Saco chia sẻ, từ thực tiễn thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản miền Trung nói riêng hiện đang có rất nhiều cơ hội và thách thức.

Ông Lưu Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Saco

Về cơ hội, tiềm năng, chúng ta đã nói rất nhiều đồng thời cùng đưa ra những thực trạng khó khăn đang gặp phải, từ đó biến tiềm năng thành cơ hội, biến cơ hội thành kết quả cho thị trường bất động sản miền Trung không những trong năm 2022, mà trong những năm tiếp theo nữa.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đối với lĩnh vực phát triển bất động sản đất nền trong thời gian vừa qua và định hướng cho năm 2022, có rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu. Thị trường đang rất tốt với khả năng rất hấp thụ ổn định, nhưng thực tế chỉ đáp ứng đâu đó khoảng 60-70 % nhu cầu thực tế.

Cơ chế chính sách ở các tỉnh miền Trung hiện tại, theo nhận xét của rất nhiều nhà đầu tư lớn, vẫn chưa được thông thoáng, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, như một số Nghị định, Thông tư hoặc pháp luật điều chỉnh bất động sản chưa cập nhật với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, một số tỉnh trong quá trình làm việc vẫn chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tới đầu tư, cũng như phát triển bất động sản ở miền Trung. Thậm chí, ở miền Trung, nơi một số khu vực đang phát triển bất động sản đất nền, đất nền phân lô, môi trường cạnh tranh còn chưa lành mạnh. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, cơ chế chồng chéo nhau làm cho các nhà đầu tư tham gia thị trường băn khoăn khi xuống tiền”, ông Tuấn bày tỏ.

Cũng theo vị doanh nhân này, có một thực tế nữa đang xảy ra là các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận dự án lớn ở miền Trung, thì khâu pháp lý cho các nhà đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ như thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ. Hay các dự án lớn ở miền Trung cũng có những dự án mang tầm quốc gia, quốc tế được đầu tư với tổng số tiền rất lớn, cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những dự án chưa đúng mức để thu hút cho các nhà đầu tư.

Hiện chúng ta đã không chế được cơ bản dịch COVID-19 và có môi trường cạnh tranh, đầu tư thuận lợi. Việt Nam là nước có độ phủ vaccine tương đối tốt, nhưng các hoạt động kinh tế sau dịch bệnh vẫn chưa hồi phục theo đúng kỳ vọng. Vì vậy, nhà đầu tư cũng rất muốn Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng có những gói kích cầu để hỗ trợ cho nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp tham gia đầu tư, phân phối các dự án tại địa bàn trên dải đất miền Trung. Từ đó có thể biến tất cả các tiềm năng, lợi thế thế thành kết quả, đưa bất động sản miền Trung nói riêng và kinh tế của miền Trung nói chung lên một tầm cao mới”, ông Tuấn đề xuất.

Lắng nghe ý kiến tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết, "phần lớn các ý kiến ở diễn đàn đều cho thấy xu hướng chung của thị trường là tích cực nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều rủi ro".

Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức (ảnh: Điểm cầu Đà Nẵng)

Chúng ta vẫn chưa dự báo được thị trường. Như gói phục hồi sắp được ban hành chẳng hạn, chúng ta phải tính được tác động của gói khi thực thi’, ông Thiên nói.

Ông Thiên cho biết, trước đây chúng ta vẫn tháo gỡ các điểm nghẽn chính sách bằng cách khó ở đâu thì gỡ ở đấy nhưng như thế thì hiệu quả lại không cao. “Tôi hi vọng thời gian tới vấn đề điểm nghẽn chính sách sẽ được tháo gỡ tận gốc”, ông Thiên nói.

Cũng tại Diễn đàn, Bà Hoàng Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Quản lý thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, rất mong muốn được lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Đây sẽ là cơ sở thực tế để chúng tôi tiếp thu và sửa các chính sách. Tôi được biết tháng 5/2022 Kế hoạch sửa Luật mới được trình Quốc hội. Như vậy, các doanh nghiệp vẫn còn thời gian để góp ý và lắng nghe ý kiến của mình”, bà Hằng nói.

Đặc biệt, bà Hằng cũng cho biết, các chính sách đặc biệt quan trọng đang được Bộ nghiên cứu, sửa đổi. Nổi bật bất là 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội sửa luật. Các nhóm vấn đề chính liên quan đến kinh doanh bất động sản sẽ mang đến giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định.

Tổng kết Diễn đàn, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ, Diễn đàn đã đi vào hai vấn đề lớn là nhìn nhận lại sự phát triển của thị trường và xu hướng phát triển của thị trường bất động sản miền Trung.

Các vấn đề liên quan không dừng lại ở đất nền hay bất động sản nghỉ dưỡng mà đã đi tới tất cả những loại hình tiềm năng tại thị trường này. "Nhìn chung, xu hướng phát triển rất tiềm năng, xuất phát từ định hướng quy hoạch phát triển kinh tế khu vực, từ quy hoạch phát triển hạ tầng, các quan hệ kinh tế đến với các khu vực kinh tế lớn mà miền Trung đang triển khai, phối hợp thực hiện và xuất phát từ điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế. Không những vậy, với lợi thế là khu vực phát triển sau, miền Trung có rất nhiều những cơ hội phát triển kinh tế nói chung, trong đó có bất động sản" - ông Tuấn nói.

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn tổng kết Diễn đàn đã đi vào 4 vấn đề cụ thể. Thứ nhất, chúng ta đã có những góc nhìn cụ thể về thực tiễn trong thực tế phát triển để có đánh giá về điểm sáng từng khu vực, về tiềm năng, thách thức và xu hướng phát triển trong bối cảnh mới. Diễn đàn cũng đã bàn đến câu chuyện làm thế nào tăng cường đối phó quản trị rủi ro, tránh tổn thất khi đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường. Thứ hai, nhóm vấn đề liên quan đến pháp lý, đã có những vấn đề đặt ra làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa để khơi thông thị trường bất động sản. Thứ ba là vấn đề tài chính, chúng ta đã nghe được báo cáo của TS Cấn Văn Lực và các diễn giả liên quan đến thu hút đầu tư, giá cả, và cả cảnh báo về chính sách. Và cuối cùng, vấn đề về năng lực nhà phát triển. Để đối diện với thị trường đòi hỏi chất lượng cao hơn, các nhà đầu tư cũng cần phải tự xem xét lại mình để vượt lên trên cuộc cạnh tranh, phát triển này.