Với cử tri ở mọi quốc gia, bầu cử Quốc hội luôn là một ngày có ý nghĩa trọng đại. Với cử tri Việt Nam, kỳ bầu cử quốc hội năm nay còn có nhiều ý nghĩa hơn bởi đây chính là dịp cử tri lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng để có thể góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam về một quốc gia phát triển.

Quốc hội đã chọn chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội đã chọn chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội - cầu nối chính quyền và nhân dân

Trên phạm vi toàn cầu, trở thành đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp luôn là niềm tự hào của mỗi cá nhân bởi họ có thể tuyên bố: “tôi được tín nhiệm để làm đại biểu của nhân dân”. Nhờ tư cách đại diện chính trị, cá nhân đại biểu được nêu quan điểm hoặc hành động trên tư cách thay mặt/đại diện cho một tập hợp người nào đó. Đây chính là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm nặng nề nhất với mỗi đại biểu

Mỗi quyết định được ban hành bởi Quốc hội sẽ trở thành những chính sách có ảnh hưởng đến đời sống của các nhóm xã hội, thậm chí mọi người dân. Xã hội càng hiện đại thì các lợi ích càng đa dạng. Do đó, xu hướng tất yếu là những tranh luận nghị trường sẽ ngày càng gia tăng. Bởi thực tế này, trong phạm vi mỗi quốc gia, diễn đàn Quốc hội chính là nơi diễn ra những hoạt động chính trị sinh động nhất.

Do đó, có thể khẳng định một trong những vai trò chính trị đặc biệt quan trọng của Quốc hội là bảo đảm cầu nối giữa những lợi ích, quan điểm của nhân dân và các hành động chính sách của chính quyền. Thông qua các đại biểu, người dân trình bày những tâm tư, nguyện vọng, và mong đợi chính sách. Trách nhiệm của các đại biểu là ghi nhận, phân tích, và tổng hợp các mong đợi đó để chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội.

Định dạng khát vọng Việt Nam 2045

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác quyết hướng đi cho đất nước, thông qua một tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, Việt Nam trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao”. Chạm đúng mong đợi cháy bỏng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, tầm nhìn lãnh đạo 2045 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, thu hút sự thảo luận rộng rãi của cán bộ và nhân dân trong cả nước. Để gia nhập nhóm các nước phát triển vào năm 2045, khát vọng Việt Nam phải vượt qua hàng loạt thách thức trong 25 năm tới.

Về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam phải đạt tối thiểu từ 12.000 – 15.000 USD/năm. Trong khi đó, theo những công bố chính thức, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 chỉ là 2.715 USD. Tiếp đến, chỉ số phát triển con người (HDI) của quốc gia phát triển phải vượt 0.8 (HDI năm 2019 của Việt Nam là 0.704).

Mặc dù sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức, tầm nhìn 2045 định hình rõ hơn khát vọng Việt Nam vốn đã xuất hiện trong thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945: đó là đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”; hay “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như thể hiện trong "Lời kêu gọi" do Chủ tịch nước công bố vào năm 1966.

Từ sau năm 1986, khát vọng Việt Nam thời kỳ đổi mới là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Một Việt Nam “phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045” chính là sự tiếp nối khát vọng quốc gia hùng cường của các thế hệ lãnh đạo tiền bối.

(Còn nữa)