Cơ cấu cổ đông của Vinafood II sau khi cổ phần hóa.

Cơ cấu cổ đông của Vinafood II sau khi cổ phần hóa.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) tiếp tục báo lỗ hơn 160 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ luỹ kế lên 2.188 tỷ đồng. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã quyết định hạn chế giao cổ phiếu VSF trên sàn UPCoM.

Tiếp tục lỗ ròng

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2/2020, doanh thu thuần của công ty mẹ chỉ đạt 3.290 tỷ đồng, giảm gần 3,7% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu giảm, nhưng giá vốn hàng bán lại tăng, khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2020 chỉ còn 129 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

2.188 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế tính đến cuối quý 2/2020 của Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

Điểm sáng của VSF trong quý 2/2020 là hoạt động tài chính bắt đầu có lãi nhẹ (cùng kỳ năm ngoái lỗ 27 tỷ đồng). Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng lên tới 160 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ từ các hoạt động khác lên tới 13,7 tỷ đồng kéo mức lỗ ròng quý 2 của VSF lên tới 43,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, VSF lỗ ròng lên tới 160 tỷ đồng.

Theo giải trình của VSF, nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ là do chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hóa thương mại, gia tăng các rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt; việc tạm ngưng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong nước và toàn cầu, dẫn đến giảm sản lượng bán.

Khó chồng khó

Đầu năm 2018, VSF đã cổ phần hóa. Theo đó, toàn bộ gần 115 triệu cổ phần đã được đấu giá thành công, cùng với việc chào bán thành công 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược T&T Group.

Sau cổ phần hóa, VSF đã mạnh tay trích chi phí dự phòng 1.785 tỷ đồng, trong đó phần lớn được dự phòng nợ phải thu, 425 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính và 41,5 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Vì vậy, tổng tài sản của VSF đã giảm từ mức 8.960 tỷ đồng xuống hơn 6.900 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Đến cuối quý 2/2020, tổng trích lập dự phòng rủi ro, kể cả dự phòng hàng tồn kho của VSF lên tới 4.143 tỷ đồng.

Tại các thị thường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Malaysia…, VSF đều chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, khiến biên lãi gộp mỏng, lợi nhuận gộp không đủ bù đắp định phí như chi phí quản lý chung, khấu hao tài sản cố định…

Áp lực cạnh tranh lớn ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cộng với giá lúa giảm và khoản trích lập dự phòng lớn, khiến VSF khó có cơ hội thoát lỗ.

Áp lực cạnh tranh lớn ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cộng với giá lúa giảm và khoản trích lập dự phòng lớn, khiến VSF khó có cơ hội thoát lỗ.

Áp lực cạnh tranh lớn ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cộng với giá lúa giảm và khoản trích lập dự phòng lớn, khiến VSF khó có cơ hội thoát lỗ.

Cần thay đổi cơ chế điều hành

T&T Group đã tham gia vào công tác quản trị, điều hành các hoạt động của VSF và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều kiến nghị, đề xuất không được thông qua do cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối (Nhà nước nắm giữ 51,3% vốn cổ phần VSF, trong khi T&T chỉ nắm giữ 25%).

VSF cũng như nhiều doanh nghiệp lớn khác đang rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” sau cổ phần hóa. Điều này khiến cho công tác quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp không được đổi mới. Với khó khăn cũ, nếu không có cơ chế mới, VSF vẫn sẽ chìm ngập trong khó khăn.

Trước thực trạng này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cần đẩy nhanh quyết toán vốn nhà nước lần 2 tại VSF, và thống nhất với UBND TP.HCM và Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần nhanh chóng thoái vốn tại tổng công ty và các đơn vị thành viên để tránh tiếp tục tình trạng thất thoát, thua lỗ, mất vốn nhà nước; thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống quản lý, quản trị các công ty trực thuộc.

Theo ông Nguyễn Hào- Chuyên viên kiểm toán KPMG, những vấn đề tồn tại của VSF, nếu không được xử lý dứt điểm, sẽ khiến doanh nghiệp này tiếp tục chìm trong thua lỗ, có nguy cơ mất vốn Nhà nước, thậm chí phá sản.