Bác sĩ Hùng chia sẻ: Làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 diễn ra sau một kỳ nghỉ lễ dài, diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn nhiều so với các đợt dịch trước đây. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19 chính tại phía Bắc, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ khắp mọi nơi tới điều trị tại bệnh viện, khả năng lây lan bệnh từ bên ngoài vào là rất lớn.

Khó khăn trong việc kiểm soát các ổ dịch ngoài cộng đồng sẽ kéo theo số lượng các ca COVID-19 tăng cao, điều này dẫn tới số lượng các ca có biểu hiện lâm sàng nặng cũng tăng, đặt ra thách thức cho bệnh viện về việc triển khai nguồn lực trong việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng cần hỗ trợ bằng máy thở hoặc máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO), đây là một thử thách trong "cơn bão" COVID-19 lần này.

Ngoài ra, theo bác sĩ, điều đáng lo ngại hơn chính là sự biến thể của chủng virus mới (trong đó có biến thể B1.617 nguồn gốc từ Ấn Độ), chủng này được cho là có thời gian ủ bệnh và khởi phát ngắn hơn. Thời gian tiến triển từ khi nhiễm virus đến khi có biểu hiện lâm sàng, gây tổn thương phổi và suy hô hấp ngắn hơn nhiều so với chủng virus trước đây.

Bác

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã xếp biến thể virus corona B.1.617 tại Ấn Độ vào danh sách biến thể "đáng lo ngại" cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vắc xin. B.1.617 là biến thể thứ tư được WHO đưa vào danh sách nhóm biến thể "đáng lo ngại" của virus corona, bên cạnh các biến thể phát hiện lần đầu tiên ở Anh (B.1.1.7), Brazil (P.1) và Nam Phi (B.1.351). Trong tháng trước, WHO mới chỉ xếp B.1.617 vào nhóm biến thể "đáng quan tâm", tức một mức độ cảnh báo thấp hơn.

Cuối cùng, bác sĩ HÙng cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tuy đã trải qua 4 đợt dịch, nhưng chưa bao giờ có số lượng bệnh nhân lớn như đợt dịch này, đây là "cơn bão" lớn nhất với con số bệnh nhân hiện tại đang điều trị tại Bệnh viện là hơn 300 người tại Bệnh viện cơ sở Kim Chung – Đông Anh. Đợt dịch này là một trận chiến lớn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các Y bác sĩ cũng như sự chung tay của toàn xã hội cùng dồn lực để chiến thắng cuộc chiến này.

Trước đó, trong cuộc họp với Bộ Y tế vào sáng ngày 12/05, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 372 nhân viên, 305 bệnh nhân và 41 người nhà. Bệnh viện đang điều trị cho 284 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, có 21 bệnh nhân thường khác.

Cũng theo bác sĩ Thạch, giải trình tự gien cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ đã xâm nhập cơ sở y tế này. Đa số người mắc không có triệu chứng, do đó việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. Bác sĩ Thạch cũng đề xuất chuyển những bệnh nhân thường, không mắc COVID-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, chuẩn bị thu dung bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân, phải rà soát lại quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện các khu điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo, lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Với 26 tỉnh, thành ghi nhận ca nhiễm COVID-19, Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng sớm tham mưu để có tổ công tác về các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn; đồng thời rà soát lại công tác sàng lọc trong bệnh viện. "Dứt khoát sàng lọc đối tượng nguy cơ, tiến tới sàng lọc toàn bộ nhân viên, người bệnh trong bệnh viện" - ông Tuyên yêu cầu.

Theo Bộ Y tế, trong đợt dịch này, trên 80% bệnh nhân COVID-19 không phải thở máy. Bệnh nhân mắc COVID-19 chủ yếu dùng thuốc giảm triệu chứng, dinh dưỡng, nâng cao thể lực để chống lại virus. Khi cơ thể khỏe mạnh, nâng cao thể trạng thì bệnh sẽ khỏi sau khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, do biến thể virus mới vẫn đang được nghiên cứu, nên Việt Nam đã nâng số ngày cách ly lên 21 ngày. Số ngày cách ly này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. 

Tính đến sáng 12/5, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị 284 bệnh nhân COVID-19; trong đó có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, tại đây còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng. 

Đến nay, các khu điều trị các ca mắc bệnh đều nằm ở khu vực kiểm soát, cách ly. Khả năng trong tuần này, bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân COVID-19.