Đã 9 giờ sáng ngày 22/6, cánh cổng Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng (thuộc Cục Y tế của Bộ Giao thông vận tải) vẫn mở rộng như mọi khi, song gần hết phòng điều trị cho bệnh nhân thì "cửa đóng then cài”. Bởi lẽ, hơn một nửa số nhân viên y tế bệnh viện, gồm cả nhiều bác sĩ lãnh đạo khoa, y tá, hộ lý… đình công.

Lý do của cuộc đình công “bất đắc dĩ” này (theo Đơn kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải…) là vì đã 4 tháng nay (từ tháng 2 đến tháng 5/2020) toàn bộ nhân viên bệnh viện không được trả lương và điều đặc biệt nghiêm trọng: Giám đốc bệnh viện không cung cấp đủ, kịp thời thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, tác động xấu đến chất lượng điều trị người bệnh. 

Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng.

Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng.

Và đây hậu quả của nó. Từ 7 giờ 30 phút đã có 11 bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngồi sẵn trên giường bệnh tại khoa Thận của bệnh viện. Vẻ mặt ai cũng lo âu. Bác sĩ chủ nhiệm khoa Phạm Thị Ánh xin lỗi: “Không thể mở máy lọc máu bởi lẽ trang thiết bị không an toàn!”.

Trưởng khoa Thận của bệnh viện Phạm Thị Ánh giải thích về việc không cho vận hành máy chạy thận do không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Trưởng khoa Thận của bệnh viện Phạm Thị Ánh giải thích về việc không cho vận hành máy chạy thận do không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Bùi Hữu Hoàng - Giám đốc bệnh viện, xuất hiện để nói một câu: “Cứ làm!”. Có lẽ bị ám ảnh bởi dư âm của vụ án từng xảy ra tại Khoa chạy thận nhân tạo ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình, bà Ánh đề nghị giám đốc ký vào văn bản chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nên nhớ ông Hoàng nguyên là chủ nhiệm khoa Thận nên rất am hiểu về chuyên môn này. Thế nhưng ông đã từ chối!

Các bệnh nhân chạy thận lo lắng ngồi chờ hướng giải quyết của giám đốc bệnh viện.

Các bệnh nhân chạy thận lo lắng ngồi chờ hướng giải quyết của giám đốc bệnh viện.

Trước sự lo lắng, bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, chúng tôi  đề nghị gặp ông giám đốc. Một chị xưng là nhân viên tiếp đón dẫn chúng tôi vào phòng khách và để chúng tôi chờ ông…1 tiếng đồng hồ (sau khi chúng tôi đã “khai” đầy đủ thông tin về mình). Buộc lòng chúng tôi phải đi tìm ông giám đốc.

Bác sỹ khám cho bệnh nhân trong sáng nay là bác sỹ được tăng cường hỗ trợ từ bệnh viện giao thông vận tải Vĩnh Phúc.

Bác sỹ khám cho bệnh nhân trong sáng ngày 22/6/2020 là bác sỹ được tăng cường hỗ trợ từ Bệnh viện Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc.

Vừa hay có một chiếc xe chở nhiều nhân vật ăn mặc lịch sự đi vào. Nhân viên bệnh viện nói rằng họ là bác sĩ của Bệnh viện Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc được giám đốc Hoàng mời về để “lấp” vào các chỗ trống ở Khoa khám bệnh do "vụ đình công" gây ra.

Chúng tôi đi theo sau họ, quả nhiên gặp được ông Hoàng. Thế nhưng giám đốc không tiếp, mặc dù chúng tôi nói rằng chỉ xin của ông 1 phút để hỏi 1 câu: “Ông có giải pháp nào cho tình hình bế tắc tại Khoa chạy Thận nhân tạo?” Khi phải đẩy cửa xông vào theo đúng nghĩa đen, chúng tôi đã nhận được câu trả lời là: “Tôi còn nghĩ!”. Và ông nghĩ được cái gì?

Chiếc xe ô tô được nhân viên bệnh viện giới thiệu là chở đoàn bác sỹ Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc về hỗ trợ.

Chiếc xe ô tô được nhân viên bệnh viện giới thiệu là chở đoàn bác sỹ Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc về hỗ trợ.

Lúc hơn 9 giờ ông xuống khoa Thận nhân tạo và lập một bản cam kết chấp nhận tất cả yêu cầu của chủ nhiệm khoa Phạm Thị Ánh. Giá 90 phút trước đó ông “quyết đoán” được như thế thì các bệnh nhân chạy thận đã thoát được cơn “lên đồng”! Vậy là, giám đốc chẳng nghĩ được cái gì cả ngoài cách chống đối áp lực từ bệnh nhân và báo chí!

Biên bản được lập vội của giám đốc bệnh viện và lãnh đạo khoa để có thể tiếp tục vận hành máy chạy thận.

Biên bản được lập vội của giám đốc bệnh viện và lãnh đạo khoa để có thể tiếp tục vận hành máy chạy thận.

Rốt cuộc hôm nay 11 bệnh nhân suy thận đã được lọc máu! Nhưng còn ngày mai, ngày kia. Những lời cam kết trách nhiệm không thể thay thế cho tình trạng máy cũ, hỏng, cho sự thiếu hụt vật tư…

Có sai lầm có thể sửa chữa, nhưng người chết thì không thể!

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.