Tại diễn đàn Quốc hội sáng 15/6, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP. HCM đã đề nghị sớm công bố hết dịch, đồng thời phát huy 3 thế mạnh của Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân

Ông Nhân dẫn giải, tỷ lệ người nhiễm trên một triệu dân ở Việt Nam không quá 50 người, thực tế là 3,4 người.

Từng địa phương đã vận dụng và thực hiện chỉ đạo này nghiêm túc, linh hoạt nên tổng số người nhiễm ở Việt Nam đến nay là 332 người, con số này thấp hơn nhiều ngưỡng 1.000 người khi thế giới công bố dịch toàn cầu.

Bên cạnh việc công bố hết dịch, Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng đề nghị có lộ trình đề phát triển kinh tế.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế”.

Theo phân tích của Bí thư Thành ủy TP. HCM, chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất.

“17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên”, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị.

Theo ông, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Australia… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.

7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì ta phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.

Trước đó, ngày 11/6, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã gửi các đại lý, hãng có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 1/7 đến các thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia. Các đường bay khu vực Đông Nam Á có tần suất bay tăng so với Hàn Quốc, Đài Loan...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp du lịch; xây dựng để kịp thời triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; điều chỉnh giải pháp về truyền thông, quảng bá du lịch phù hợp với tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tổng cục Du lịch đang xây dựng các kịch bản để đón khách quốc tế khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Nếu dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường trọng điểm, tổng cục sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng hạn chế, khởi động lại việc quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về kiểm soát y tế. Khu vực ASEAN và Ðông - Bắc Á có thể là những thị trường cần tập trung thu hút trước tiên. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm lại phải tính đến phương án khác bởi thực tế tình hình dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cụ thể. TAB nhấn mạnh Việt Nam cần đi trước một bước hoặc ít nhất là ngang bằng về thời điểm so với những đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Trước hết, Việt Nam cần có 1 bộ thủ tục mở lại thị trường gồm các tiêu chí: Mở lại các đường bay và bảo đảm chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ); miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế và đo thân nhiệt; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam; các biện pháp bảo đảm an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn; thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.

Khi mở cửa với mỗi thị trường, Việt Nam cần chắc chắn thị trường đó đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để bảo đảm an toàn cho người dân trong nước. Việt Nam cần đàm phán trước hết với các quốc gia châu Á, khu vực châu Đại Dương. Một giải pháp nữa được TAB đưa ra là xem xét và mời chào các khu nghỉ dưỡng trọn gói, biệt lập, an toàn, thỏa mãn các tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng. Liên quan đến bước đi trên, cần sẵn sàng thực hiện một chương trình quảng bá định vị Việt Nam như một "thiên đường an toàn".