Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) – cơ quan ngân hàng toàn cầu đang trưng cầu ý kiến của các bên liên quan về cách hoạt động của ngân hàng khi tương tác với tài sản tiền điện tử. Từ các Ngân hàng Trung ương, các cơ quan quản lý đến các cơ quan làm việc liên Chính phủ,... dường như tất cả đều đang chú ý nhiều hơn đến thị trường này.

Thị trường tiền điện tử đã lớn mạnh không ngừng và đã đến lúc phải có quy định cụ thể với những thực thể tham gia thị trường

Thị trường tiền điện tử đã không ngừng lớn mạnh và  đến lúc phải có quy định với những thực thể tham gia thị trường

Tham vấn công khai về tiền điện tử

Trong một thông cáo do BIS phát hành vào ngày 7/6 cho biết, Ủy ban Basel đang chuyển sự chú ý của mình sang tiền điện tử. Động thái này là một phần của nghiên cứu hậu khủng hoảng rộng lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Theo đó, sự phục hồi không đồng đều và môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn, dẫn đến các ngân hàng và các cơ quan giám sát phải luôn cảnh giác với những rủi ro và khả năng dễ bị tổn thương. Ủy ban cũng nhắc lại hướng dẫn của mình rằng, các ngân hàng nên sử dụng vốn Basel III và bộ đệm thanh khoản, để tương thích với các cú sốc và duy trì cho vay đối với các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp có khả năng tín dụng. 

Ủy ban đã xem xét một báo cáo đưa ra đánh giá sơ bộ về tác động của các tiêu chuẩn Basel III đã thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch. Báo cáo chính thức sẽ được công bố vào tháng 7, còn các yếu tố mới phát hiện sẽ được đưa vào báo cáo tạm thời cho các Bộ trưởng Tài chính G20 và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương về những bài học ổn định tài chính rút ra từ đại dịch.

Hiện nay, mặc dù mức độ tiếp cận của các ngân hàng đối với các loại tiền điện tử đang bị hạn chế, nhưng sự tăng trưởng và đổi mới liên tục trong các loại tiền điện tử và các dịch vụ liên quan, cùng với sự quan tâm ngày càng cao của một số ngân hàng, có thể làm tăng mối lo ngại về ổn định tài chính toàn cầu và rủi ro, khi không có biện pháp xử lý thận trọng.

Ủy ban đã thông báo rằng, cuộc tham vấn cộng đồng là để xác định các giao thức khả thi cho việc tiếp xúc với tiền điện tử tại các ngân hàng. 

Sau nhiều năm, ngành tài chính đã phớt lờ sự xuất hiện của tiền điện tử, chỉ có một số ngân hàng và tổ chức tài chính đang theo đuổi sự tương tác với Bitcoin và các tài sản tiền điện tử nói chung. Từ việc điều hành các trung tâm giao dịch đến cung cấp các sản phẩm đầu tư và thậm chí cung cấp quyền lưu ký, các ngân hàng đang tạo ra một dấu ấn quan trọng hơn trong không gian tiền điện tử.

Mục đích của việc thiết kế các tiêu chuẩn về khả năng tiếp xúc của các ngân hàng với tài sản tiền điện tử, xuất phát từ nhu cầu đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu và các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng”, BIS nhấn mạnh.

Các quốc giá khác nói gì?

Thống đốc ngân hàng Trung ương Thụy Điển

Thống đốc ngân hàng Trung ương Thụy Điển

Trước động thái trưng cầu ý kiến của BIS, mới đây, Thống đốc ngân hàng Trung ương Thụy Điển, ông Stefan Ingves tuyên bố rằng, Bitcoin và thị trường tiền điện tử quá lớn để nằm ngoài các khuôn khổ quy định. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý quốc gia và quốc tế đều phải nhanh chóng ban hành luật hướng dẫn hoạt động của thị trường.

Khi một thứ gì đó đủ lớn, những thứ như lợi ích của người tiêu dùng và rửa tiền sẽ phát huy tác dụng. Vì vậy, có lý do chính đáng để tin rằng, quy định đó sẽ xảy ra. Thuỵ Điển cũng đang xem xét việc thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với các sàn giao dịch tiền điện tử”, vị Thống đốc tuyên bố.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là rất ít quốc gia đề xuất bất kỳ quy định rõ ràng nào về thị trường tiền điện tử. Ví dụ như Hoa Kỳ đã phải vật lộn trong nhiều năm và các đề xuất mới nhất từ FinCEN (Tổ chức phòng chống tội phạm) đã bị tạm dừng, sau khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền.

Thậm chí châu Âu cũng chưa đưa ra được các quy tắc phù hợp, song, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, bà Asa Lindahagen vẫn lưu ý rằng, Chính phủ đang trong quá trình thắt chặt các tiêu chuẩn cho các nền tảng trao đổi tiền điện tử. “Đây là một công việc đang được tiến hành ở cấp quốc tế”.

Còn theo Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Đan Mạch, Lars Rohde đã mô tả toàn bộ ngành này là “một mốt đầu cơ vì không có sự ổn định và không có sự đảm bảo từ bất kỳ phía nào đối với giá trị của nó”. Lời nói của ông được đưa ra ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey cảnh báo các nhà đầu tư hiện tại và tương lai rằng, họ phải chuẩn bị sẵn sàng để mất tất cả số tiền của mình nếu bỏ vào Bitcoin.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell gần đây đã bác bỏ quan điểm về bitcoin (BTC) như một kho lưu trữ giá trị toàn cầu và phương tiện trao đổi, do sự biến động giá mà nó đã xảy ra. Phía Văn phòng kiểm soát tiền tệ của Hoa Kỳ cũng đã công bố kế hoạch xem xét các nguyên tắc về tiền điện tử của mình. 

Riêng El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận bitcoin như một đồng tiền hợp pháp

Riêng El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một đồng tiền hợp pháp

Còn ở châu Âu, Ủy ban EU đang làm việc về quy định Thị trường trong tài sản tiền điện tử (MiCA) sẽ được phê chuẩn trên toàn Liên minh châu Âu. Riêng Chủ tịch Cơ quan quản lý Tài chính Pháp (AMF), ông Robert Ophèle đã kêu gọi một cách tiếp cận mới và mạnh mẽ đối với các quy định về tiền điện tử, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng và phát triển của các dự án sáng tạo. Với sự phát triển không ngừng của lĩnh vực tiền điện tử, Châu Âu cần phải đưa ra các chính sách pháp lý phù hợp.

Chủ tịch AMF cũng đề xuất thử nghiệm Blockchain và DeFi trong chế độ thí điểm và thêm nhiều cải tiến khác nhau để giúp cung cấp một chính sách mạnh mẽ. Bởi theo ông, chế độ chính sách hạn chế nghiêm ngặt, sẽ đẩy các doanh nghiệp hoạt động trên tiền điện tử rời khỏi khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Đây sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo một sân chơi bình đẳng ở EU. Vì quy định này là hoàn toàn mới, nên việc giám sát của Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA) ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, sẽ rất hợp lý nếu quy tụ tất cả các chuyên môn trong cùng một cơ quan, vì chi phí gia nhập thế giới tiền điện tử là khá cao”, Chủ tịch AMF nói.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt siết chặt các hoạt động khai thác, giao dịch Bitcoin và tiền điện tử, thì El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một đồng tiền hợp pháp. Mặc dù sẽ mất 90 ngày để ban hành luật, nhưng Wikipedia đã liệt kê BTC là một trong những đơn vị tiền tệ chính thức của El Salvador. Đồng thời, Paraguay cũng cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện một dự án liên quan đến Bitcoin và PayPal.

Như vậy, dường như các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều bày tỏ sự quan tâm của mình đối với thị trường tiền điện tử, vì phạm vi hoạt động của nó đã quá lớn mạnh. Điều cấp thiết là quy định thể sẽ ra sao, áp dụng triển khai thế nào cần sớm được thống nhất trong một khuôn khổ chung để đảm bảo lợi ích giữa các quốc gia.