Bitcoin trượt dốc kéo cả thị trường tiền ảo

Bitcoin trượt dốc kéo cả thị trường tiền điện tử gần như "sụp đổ".

Xuyên thủng các mốc đáy

Trong ngày 19/5 “đen tối”, Bitcoin (BTC) liên tục xuyên thủng các mốc giá đáy mới, có thời điểm giảm còn khoảng 30.000 USD/BTC, mức giảm lên tới 30% trong khoảnh khắc. Và với sự dẫn đầu đà giảm từ Bitcoin đã ảnh hưởng đến toàn thị trường, tâm lý hoảng loạn xảy ra kéo hàng loạt đồng tiền chủ chốt lao dốc theo. Ethereum giảm mạnh có thời điểm dưới mốc 2.000 USD, giảm hơn 40% chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Sự trượt dốc của Bitcoin đã kéo các sàn giao dịch tiền ảo đua nhau sập theo trước sự truy cập quá lớn của nhà đầu tư, dẫn tới tình trạng quá tải. Sàn giao dịch lớn nhất thế giới Coinbase tạm ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn đã càng làm tăng độ “hoảng” cho nhà đầu tư. Sau đó các sàn như sàn Gemini đã báo cáo hiệu suất bị suy giảm và trang web CoinMarketCap không thể truy cập được.

Mặc dù Bitcoin giảm sâu xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, nhưng nó vẫn tăng hơn 200% kể từ tháng 9, nhờ vào sự tham gia của các quỹ đầu cơ, ngân hàng và các doanh nghiệp chọn Bitcoin là một tài sản để tích trữ.

Bitcoin giảm còn khoảng 30.000 USD

Bitcoin giảm còn khoảng 30.000 USD.

Sự rút lui trên thị trường do đâu?

Một báo cáo mới từ JPMorgan cho biết, dựa trên các hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư tổ chức dường như đang rời xa Bitcoin và quay trở lại với vàng. Bitcoin thường được quảng cáo là một sự thay thế tiềm năng cho kim loại truyền thống như một tài sản lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tiền ảo bị cô lập, mà các động thái này có thể là một phần của vòng quay lớn hơn bởi các nhà đầu tư tránh xa các giao dịch đầu cơ hơn.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng có sự điều chỉnh. Các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng, nhiều trong số đó vượt trội hơn đáng kể so với thị trường rộng lớn hơn trong đại dịch COVID-19, cũng gặp khó khăn trong những tuần gần đây.

Tính đến sáng ngày 19/5, Chỉ số Nasdaq Composite về công nghệ đã giảm 6,9% so với mức cao nhất đóng cửa gần đây nhất vào ngày 26/4. Chỉ số Russell 2000 giảm 5,6% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này cũng đồng thời với việc thời hạn nộp thuế bị trì hoãn, điều này có thể gây ra áp lực bán ra khi các nhà đầu tư tìm kiếm tiền mặt để trả các khoản nợ thuế tăng vốn.

Tăng cường giám sát từ cơ quan quản lý

Một nguyên nhân nữa đến từ việc, Bitcoin và các tài sản có liên quan cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý trên toàn thế giới khi chúng đã thu hút nhiều hơn sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu.

Harshita Rawat của Bernstein cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc siết chặt quản lý với các tài sản tiền ảo có thể dẫn tới những phiên giảm sâu nữa của thị trường. Việc siết chặt quản lý có thể xảy ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, đây là nơi coi tiền ảo là một mối đe dọa với tiền tệ fiat và hệ thống tiền tệ của họ”.

Tại Trung Quốc, nơi đang phát triển tiền điện tử do Ngân hàng Trung ương phát hành, đã xác nhận lại các quy tắc của mình đối với các loại tiền kỹ thuật số khác, theo đó cấm các công ty tài chính cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử.

Trong khi đó tại Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) vừa mới được bổ nhiệm Gary Gensler cho biết, ông nghĩ rằng các cơ quan quản lý nên “trung lập về công nghệ” bảo vệ người tiêu dùng nhiều hơn trong thị trường tiền ảo.

Sự gia tăng của Dogecoin, được bắt đầu hoàn toàn như một trò đùa trước khi trở nên phổ biến rộng rãi hơn với sự giúp đỡ của Elon Musk, cũng có thể làm tổn hại đến uy tín của thị trường điện tử nói chung.