Vn-Index giảm sâu nhất trong gần 1 năm qua/

Vn-Index giảm sâu nhất trong gần 1 năm qua. (Ảnh: Nguyễn Long).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, chỉ số VN-Index giảm 62,69 điểm (-4,82%) xuống 1.238,84 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 424 mã giảm và 25 mã đứng giá. HNX-Index giảm 17,52 điểm (-5,26%) xuống 315,52 điểm. UPCoM-Index giảm 2,35 điểm (-2,38%) xuống 96,44 điểm.

Điểm lạc quan của thị trường hôm nay là thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.717 tỷ đồng, tăng 37% trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 36% lên 14.003 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 98 tỷ đồng trên HoSE.

VN30 hôm nay giảm sâu 70,06 điểm còn 1.279,76 điểm (-5,19%), với 29 mã giảm chỉ 1 mã tăng là SAB. Trong rổ VN30 có đến 11 mã giảm sàn bao gồm: BID, BVH, GVR, MSN, PLX, POW, SSI, STB, TCB, VPB, VRE.

Diễn biến giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam chung nhịp với diễn biến thị trường thế giới, trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4/2022, cao hơn dự báo của thị trường. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục duy trì việc tăng lãi suất trong tháng 6/2022, nhưng mức tăng có thể không qua mạnh. Hiện tại, theo CME, 88% các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng FED sẽ tăng thêm 0,5% lãi suất trong tháng 06/2022.

Ngay sau khi báo cáo được công bố, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,18% xuống 11.364,24 điểm trong khi S&P 500 giảm 1,65% xuống 3.935,18 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 1,02%, xuống 31.834,11 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,57% do cổ phiếu của Tập đoàn Fast Retailing giảm gần 4%. Chỉ số giá chứng khoán Tokyo Topix giảm 1%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,86%. Thị trường chứng khoán Úc cũng "rực lửa" khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,22%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) đã giảm 0,44%.

CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, nếu đà tăng duy trì trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm với khối lượng giao dịch cải thiện thì các nhà đầu tư có thể hạn chế bán ra.

Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam cho rằng nhà đầu tư được khuyến nghị nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Chuyên gia của CTCK Tân Việt, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Khối DVĐT vs QLTS khuyến nghị, ở góc độ tâm lý, thị trường đang trong giai đoạn chán nản và nghi ngờ nên thanh khoản sắp tới được chúng tôi dự báo sẽ rất khó đột biến so với giai đoạn hiện tại.

“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên giữ trạng thái tài khoản ở mức cân bằng ở mức 50% cổ phiếu so với tài sản và chưa nên gia tăng thêm trạng thái khi đáy W chưa xác nhận bởi các bất ổn hiện vẫn tiềm tàng gây ra các rủi ro bất ngờ”, ông Nguyễn Trung Du cho biết.