Đây là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội", do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 7/9.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương)

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án. 

Thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh

Cụ thể, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cho phép Chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nên xem xét ủy quyền cho các Bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các Quy hoạch ngành.

Xây dựng cơ chế đặc biệt, hiệu quả về thu xếp tài chính để thực hiện các công trình điện trong quy hoạch phát triển điện lực.

Phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện.

Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện. Tiếp tục thực hiện nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn.

Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Xem xét tiếp tục chấp thuận bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT.

Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài, ....

“Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, truyền tải điện và bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất.

Đii cùng đó là khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể thích hợp cho từng dạng năng lượng tái tạo theo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khuyến khích đầu tư vào các công trình nguồn điện tại nước ngoài để nhập khẩu về Việt Nam.

Có cạnh tranh mới có hạ giá bán điện

Kết luận phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư vừa qua chậm, không thực hiện được quy hoạch còn có một nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương)

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương)

Vì khả năng tài chính của các nhà đầu tư, các tập đoàn là có hạn, khả năng tín dụng của các ngân hàng có giới hạn, vay nước ngoài của một số dự án đã bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là giá mua điện thế nào?

Đơn cử như giá điện tái tạo trước năm 2019 mua 9,35 cent, sau 2019 đến nay mua 7,09 cent, thì chỉ trong 2 năm 2019 - 2020 điện tái tạo đã đạt công suất trên 5.400 MW. Mặt khác, hiện nay rất nhiều địa phương, rất nhiều doanh nghiệp đề nghị được đầu tư, mặc dù đã vượt quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Rào cản lại là giá bán lẻ điện mỗi lần điều chỉnh là một lần khó khăn bởi rào cản của thu nhập, của giá thành, sự không chấp nhận của người mua, của dư luận, của báo chí…”, ông Hiển nói.

Nhưng đó là lẽ thường tình bởi chẳng ai muốn mua gì đắt cả, càng rẻ càng tốt. Vấn đề là căn cứ, là công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện. Đó là điều tốt cho cả người cung cấp và người thụ hưởng.

Thực hiện cơ chế thị trường để có cạnh tranh thì mới có điều kiện hạ giá thành, giá bán điện, mới có nguồn lực để đầu tư về điện. Thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn.

Ông Hiển nêu ví dụ về câu chuyện giá nước. Khi giá thành nước là 11.000 đồng/m3 nhưng người mua chỉ trả 6.000 đồng/m3 và khi thiếu nước thì phải mua 60.000 - 200.000 đồng/m3.

“Có thể nói rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng”, ông Hiển bày tỏ.