Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng định danh cá nhân không chỉ xóa bỏ khoảng cách phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội mà còn đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phương thức quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đặc biệt, khi quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thực tế cho thấy đã xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử vùng miền, hay đánh giá khu vực nông thôn, thành thị… quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển.

fdgsdfgbf

Xóa bỏ sổ hộ khẩu, dấu mốc tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính

“Người dân khổ sở vì sổ hộ khẩu lâu lắm rồi”

Xem xét dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trong phiên họp chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao việc bỏ sổ hộ khẩu, chuyển sang quản lý dân cư theo số định danh cá nhân như đề xuất của Chính phủ.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Thị Kim Ngân, bày tỏ hoan nghênh những cải cách tiến bộ của dự thảo Luật Cư trú sửa đổi lần này, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy dự thảo luật này rất tiến bộ, "người dân khổ sở về cái sổ hộ khẩu này lắm rồi". Người dân đi đâu, làm gì cũng phải kè kè cái sổ hộ khẩu từ làm việc, học hành, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều nước đã bỏ quản lý công dân bằng hộ khẩu, tạo thuận lợi cho người dân, ngăn ngừa được tiêu cực, nâng cao hiệu quản lý nhà nước về dân cư.

"Người dân mất sổ hộ khẩu như mất sổ gạo trước đây, bản thân tôi cũng đã từng mất sổ hộ khẩu nên rất hiểu vấn đề này", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

dfzgfdszbgdf

Việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng số định danh cá nhân, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, Luật này chính là cụ thể hóa Điều 23 của Hiến pháp 2013.

"Luật cụ thể nhiều hơn nữa, rõ hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, rà soát kỹ những quy định hạn chế quyền cư trú của công dân, cái gì hạn chế quyền của công dân phải được quy định trong luật chứ không phải văn bản dưới luật", Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bỏ quy định về riêng điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, tán thành việc dự án luật này cần thiết đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9, thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới đây.

Cũng tại phiên họp, đánh giá cao sự đổi mới này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng đây là phương thức quản lý phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ, cách mạng thông tin trong thời đại 4.0, xây dựng chính phủ điện tử.

Dẫn ví dụ về câu chuyện "sổ gạo" thời bao cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ nếu bỏ được sổ hộ khẩu thì đây là "cuộc cách mạng như bỏ sổ gạo thời bao cấp trước đây".

Cũng theo ông Dũng, bỏ sổ hộ khẩu thay bằng theo số định danh cá nhân sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước".

Xu thế của thời đại…

Cụ thể, khi bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân như: Tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu...

dfbgfbgfdbg

Xóa bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu không chỉ giảm chi phí hành chính mà còn là xu thế của thời đại

Không chỉ có vậy, theo tính toán của Bộ Công an, nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Việc sử dụng mã số định danh cá nhân cũng sẽ giúp tiết kiệm gần 300 tỷ đồng chi phí làm sổ bảo hiểm.

Thực tế hiện nay, công dân khi tham gia các giao dịch hoặc thủ tục hành chính phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh... Khi quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân, các loại giấy tờ trên sẽ không còn phải mang theo trong giải quyết thủ tục hành chính nữa.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, khi dự án cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Lúc đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...

Đây có thể là một tin vui cho gần 100 triệu dân trước việc những lời kêu gọi “bỏ hộ khẩu” thỉnh thoảng lại vang lên rồi chìm nghỉm như “đá ném ao bèo”. Những động thái của Chính phủ về đơn giản thủ tục hành chính, cũng như tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, dù chưa đạt được kỳ vọng như nhân dân mong đợi, cũng lóe lên những tia hy vọng.

Bởi sẽ khó có thể đong đếm cụ thể những lợi ích khi hộ khẩu “hết thời” mà chỉ có thể nói rằng: lợi ích đó là rất lớn. Phía nhà nước, mà cụ thể là Bộ Công an, sẽ tinh giản được biên chế và song song với nó là chiến lược cải cách tiền lương sẽ có tính khả thi cao hơn. Những tiêu cực hoặc bất cập do hộ khẩu gây ra sẽ nhanh chóng được dẹp bỏ.

Đã hết giá trị lịch sử

Cuốn sổ hộ khẩu từ lâu đã gắn chặt với sinh mệnh và cuộc sống của mỗi con người. Dường như đụng đến bất cứ việc gì cũng cần có sổ hộ khẩu: hợp đồng điện nước, xin học, mua đất, mua nhà, đăng ký xe cộ, khai sinh, khai tử, thành lập doanh nghiệp, kết hôn, ly hôn…

Mỗi khi chuyển nơi sinh sống, việc hệ trọng nhất là cắt chuyển hộ khẩu. Mà không phải ai, lúc nào cũng được đăng ký hộ khẩu. Cuốn sổ hộ khẩu đã trở thành rào cản đối với bao người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm, mưu sinh, lập nghiệp nơi thành phố. Và rồi để có được cuốn sổ hộ khẩu họ đành phải quỵ lụy nhờ vả, chấp nhận tiêu cực phí không ít.

dfgfdgfdbfg

Xứ mệnh lịch sử của sổ hộ khẩu sẽ được thay thế bằng việc quản lý dân cư theo số định danh cá nhân

Nhận định về đề xuất xóa bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty luật HPVN (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết và phù hợp với xu hướng hội nhập phát triển công nghệ hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cho thấy sự thống nhất mục tiêu với Luật Căn cước công dân 2014, ban hành ngày 20/11/2014.

Cũng theo Luật sư Hiệp, chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập phát triển và kỷ nguyên công nghệ 4.0, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu quốc gia, đem lại nhiều lợi ích trong việc dễ dàng kết nối, quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân. Không chỉ có vậy, việc áp dụng công nghệ trong quản lý dân cư sẽ đảm bảo được chức năng quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa được thủ tục hành chính. Từ đó, cũng hạn chế sự lạm quyền, sách nhiễu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

“Việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý các thông tin cá nhân sẽ làm giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như chi phí mà người dân hiện nay đang phải chi trả. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các biện pháp nhằm bảo mật thông tin cá nhân để người dân an tâm hơn” - Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.

Đến thời điểm này, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu quốc gia, đem lại nhiều lợi ích trong việc dễ dàng kết nối, quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân.

Theo luật sư Cường, việc áp dụng công nghệ trong quản lý dân cư vẫn đảm bảo được chức năng quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa được thủ tục hành chính.

Không phải các cơ quan quản lý nhà nước không nhìn ra những bất cập ấy, nhưng hình như có sự trì trệ trong thay đổi tư duy và cách thức xây dựng hạ tầng quản lý xã hội. Công nghệ thông tin, kinh tế số đang đem lại những tiện ích không chỉ trong kinh doanh, mà còn thúc đẩy các phương thức quản lý nhà nước phải thay đổi toàn diện. Đành rằng sự thay đổi nào cũng phải trả giá, nhưng cái giá của lợi ích chung hay những cá nhân vốn đang hưởng lợi từ sự “lạc hậu” mang lại cũng là thực tế còn tranh chấp.

Bởi sẽ khó có thể đong đếm cụ thể những lợi ích khi hộ khẩu “hết thời” mà chỉ có thể nói rằng: lợi ích đó là rất lớn. Và đương nhiên, người dân sẽ được lợi nhiều nhất khi những quyền cơ bản được triệt để tôn trọng và những nhu cầu thiết thân sẽ không còn trải qua những “đoạn trường”.