Cải cách hành chính

Cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thời gian qua công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp luôn được Chính phủ quan tâm triển khai hiệu quả. Riêng với ngành Tài chính, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng luôn được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung cải cách thể chế, hoàn thành ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 105 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 100% kế hoạch được giao, gồm: 01 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội; 11 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 88 Thông tư.

Trong 05 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 46 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nhiều văn bản được ban hành nhằm triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai và trình Chính phủ ban hành các giải pháp, trong đó có Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 với gần 98% doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn. Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cùng với đó là Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…

Bộ Tài chính cũng đã chủ động, chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình Chính phủ) ban hành văn bản miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm giảm những điều gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp và người dân, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC của Bộ Tài chính.

Theo ông Nguyễn Đình Trường – Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cắt giảm chi phí, thời gian và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 952 thủ tục, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 60% đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiết kiệm chi phí và tiết kiệm thời gian, công sức khi làm TTHC với Bộ Tài chính.

Song hành cùng đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính còn tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCA/VCIS; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN… Công tác hiện đại hóa quản lý, nhất là ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính không chỉ hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành trong thời gian qua mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội.

Riêng trong lĩnh vực thuế, hiện nay hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến ngày 19/5/2020 có 770.189 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,6% doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1/2020 đến ngày 19/5/2020 là 7.395.164 hồ sơ.

Để triển khai ứng dụng khai thuế điện tử cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với 55 ngân hàng thương mại. Hiện tất cả các cục thuế đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 765.229 doanh nghiệp, đạt 99%. Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 19/5/2020, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 1.592.513 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 273.725 tỷ đồng và 13.870.812 USD.

Đến giữa tháng 5, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 5.275 trên tổng số 5.435 doanh nghiệp hoàn thuế (đạt 97,05%). Số hồ sơ tiếp nhận là 9.455 hồ sơ trên tổng số 9.676 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,71%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 6.558 hồ sơ, với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 37.291 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị của Bộ Tài chính đảm bảo sự thống nhất trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến địa phương và tinh giảm được 4.974 chỉ tiêu biên chế so với năm 2015.

Theo ông Trường, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai CCHC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng cải cách thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính, tinh gọn bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực...

Đặc biệt, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chú trọng đối với lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 125 TTHC, đơn giản hóa 217 TTHC, chuẩn hóa 900 TTHC. Tổng số chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC ước tính đạt khoảng 507,3 tỷ đồng/năm và 608.500 ngày công/năm.