Trao đổi về những giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong “làn sóng” COVID-19, đặc biệt là tình trạng “đói” đơn hàng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tin tưởng 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tin tưởng 3 tháng cuối năm doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn về thiếu đơn hàng.

“Mặc dù Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng vừa báo cáo đầu phiên họp báo hôm nay rằng kết quả của chúng ta rất khả quan, sự nỗ lực cố gắng của chúng ta trong 9 tháng đầu năm có hiệu quả. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

9 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu thặng dư ở mức 17 tỷ USD. Xuất khẩu quý III có kết quả tích cực hơn so với dự báo trước đây, các tháng quý III có thể đạt 26,6 tỷ USD, tăng đến 34% so với quý II.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, một số ngành Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.

Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.