Trong 10 năm qua, WEF đã quan sát và đúc kết về những xu hướng chính trên thế giới và những xu hướng này sẽ tiếp tục tác động đến bức tranh kinh tế xã hội toàn cầu trong năm 2018 và các năm tới.

Nghịch lý năng suất

Năng suất toàn cầu không tăng nhanh như trước đây mà thực tế lại đang chậm lại. Đây là một nghịch lý, bởi thế giới đã chứng kiến tốc độ cải tiến công nghệ rất nhanh chóng trong những năm trước đó. Vậy tại sao tất cả những công nghệ mới này lại không mang đến năng suất cao hơn?

Có nhiều lời giải thích được đưa ra. Một số ý kiến cho rằng, bản thân các cải tiến đó không giúp chúng ta cải thiện được năng suất. Đã có nhiều cải tiến lớn gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai như: động cơ hơi nước, động cơ đốt trong và các máy móc trong gia đình (như máy giặt). Những cải tiến trong giai đoạn đó đã thay đổi ngoạn mục cách mà chúng ta sản xuất hàng hóa và giúp gia tăng năng suất rất nhiều. Nhưng các cải tiến ngày nay lại khác. Chúng có thể đẹp và thú vị (như những chiếc smartphone xinh xắn), nhưng không thực sự cải thiện năng suất. Đó là một cách giải thích cho sự nghịch lý về năng suất.

Cách giải thích thứ hai được đưa ra là những cải tiến ngày nay đang khiến cho công việc của con người trở nên… lỗi thời. Hãy thử tưởng tượng, bạn bỏ ra 5 năm nghiên cứu cách xử lý vé máy bay bằng tay, hiểu rõ các mật mã máy bay… Sau đó, gần như qua một đêm, quy trình này được làm tự động và kỹ năng của bạn trở nên vô giá trị. Điều này đang xảy ra ở nhiều nghề khác nhau, máy móc có thể xử lý sổ sách kế toán, tính toán mức thuế phải đóng… và người ta không còn cần thuê kế toán viên để xử lý những công việc này.

Cũng có người lý giải, năng suất không tăng là do dân số đang nhanh chóng già đi ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Khi dân số già đi, có nghĩa là chúng ta có một tỷ lệ lớn hơn những người không tạo ra năng suất, không có ích cho nền kinh tế, chưa kể là gánh nặng an sinh xã hội cho tầng lớp người già này.

Lại có lời giải thích nói rằng, chúng ta không tính toán GDP một cách đúng đắn và để đo lường năng suất một cách chính xác, chắc chắn chúng ta phải dùng một phương pháp đúng để đo lường GDP. Đây là cách tính giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong 1 năm. Công thức này đúng khi nền kinh tế sản xuất ra hàng hóa vật chất, giả sử như khoai tây và xe hơi. Theo đó, chúng ta có thể nhân giá số lượng khoai tây được thu hoạch và cộng với giá số lượng xe hơi được sản xuất ra trong năm đó… để tính ra tổng giá trị các sản phẩm tại quốc gia đó. Nhưng ngày nay, chúng ta sản xuất ra quá nhiều sản phẩm cải tiến, dịch vụ mà chúng lại hoàn toàn miễn phí. Một ví dụ là giá trị các dịch vụ mà Google cung cấp cho người sử dụng (tức đóng góp của nó vào GDP) là con số 0, vì các dịch vụ này là miễn phí. Đóng góp của các dịch vụ Facebook và Twitter cũng là con số 0. Nhưng Google khiến đời sống chúng ta trở nên thoải mái hơn theo những cách nào đó. Chúng ta không còn phải đi vào thư viện để tra cứu dữ liệu mình cần, nhưng năng suất mà chúng ta đạt được nhờ sử dụng công cụ tìm kiếm Google thì không được tính.

Trường hợp này xảy ra ở nhiều lĩnh vực được cải tiến và vì thế, có thể là một thành tố lớn trong GDP không được tính đến. Theo lập luận này, nền kinh tế thực sự đang tăng trưởng nhanh hơn là chúng ta nghĩ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều cơ hội

Các công nghệ có tính... phá bĩnh đã tăng tốc rất nhanh như sự xuất hiện của iPhone, sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sự ra đời các loại vật liệu mới, sinh học tổng hợp, đại dữ liệu… Và tất cả những công nghệ này đang làm thay đổi bức tranh kinh doanh trên toàn cầu.

Đáng chú ý, không chỉ có Mỹ và châu Âu sở hữu các công nghệ cải tiến như trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này đã tạo ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên khắp thế giới. Đây là một xu hướng cực kỳ quan trọng liên quan tới sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Vì nhờ có sự hội nhập giữa các nền kinh tế trong 40 năm qua và thu nhập của người dân sống ở các thị trường mới nổi đang tăng nhanh hơn so với tại các nền kinh tế tiên tiến. Bất bình đẳng thu nhập ở phạm vi toàn cầu nhờ đó đã giảm xuống.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chứng kiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng trong nội bộ các quốc gia. Vì thế, trong khi thu nhập ở Trung Quốc đang ngày càng tiến gần hơn với Mỹ thì thu nhập của người Mỹ ngay trong nước họ lại ngày càng chênh lệch. Một phần đó là hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vốn đang lấy đi nhiều việc làm của người dân ở tầng lớp trung lưu.

Điều này hoàn toàn khác biệt với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, vốn dĩ mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo. Người dân từ bỏ nghề nông có thu nhập thấp, chuyển lên thành phố làm các công việc có mức lương cao hơn. Và trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, tốc độ thay đổi chậm hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa là mặc dù cũng có nhiều người mất việc làm, nhưng họ lại kiếm được việc ở những nơi khác nhờ có thời gian để thích ứng với thay đổi.

Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần này thì không như vậy. Bởi tốc độ thay đổi của công nghệ đã diễn ra quá nhanh, tầng lớp trung lưu không kịp thích ứng và vì thế gánh chịu nỗi đau. Điều này đã dẫn đến sự trỗi dậy của các xu hướng chính trị đang thịnh hành hiện nay, đặc biệt là làn sóng chủ nghĩa dân túy bùng nổ mạnh mẽ, dẫn đến các sự kiện như nhiều người dân Mỹ ủng hộ các chính sách “bảo hộ” do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hay sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) hoặc các phong trào cánh tả ở châu Âu.

Dân số ở độ tuổi lao động tăng mạnh

Trong vài thập niên qua, có 4 tỷ người, đặc biệt người dân ở châu Á đã tham gia vào thị trường lao động thế giới. Những người này có kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản và có trình độ giáo dục cao và họ đã lấy đi công việc từ các quốc gia phát triển.
Hệ quả chính là tạo ra làn sóng “bài xích” trên khắp thế giới chống lại giao thương, chống lại quá trình toàn cầu hóa và xu hướng cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều rào cản thương mại được các quốc gia dựng lên nhằm bảo vệ việc làm và các ngành ở trong nước.

Do đó, điều quan trọng là cần phải thay đổi chính sách lao động và cần biết kết hợp giữa sự linh hoạt với đảm bảo an toàn việc làm. Chiến lược được nhiều nước áp dụng cho đến nay là ít đảm bảo việc làm hơn để có thể cạnh tranh. Các chính sách đó đã tước đi quyền lợi của người lao động. Điều này là một sai lầm.

Chúng ta có thể có cả sự linh hoạt hơn về chính sách lẫn sự đảm bảo việc làm. Đây là cách một số nước ở khu vực Tây Bắc Âu đang thực hiện và tỷ lệ thất nghiệp của họ gần như bằng 0. Chúng ta cần bảo vệ người lao động và điều này không nhất thiết là phải bảo vệ việc làm của họ. Để làm được điều này, chúng ta cần tìm cách để giúp người lao động mất việc làm tìm được các công việc thay thế. Nghĩa là thực hiện các chính sách tái đào tạo một cách tích cực và chủ động hơn, thay vì các chính sách bảo vệ việc làm cũ của họ. Nếu không làm được việc này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ hơn nữa làn sóng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa dân túy.

Tất cả những điều này là lý do vì sao năng lực cạnh tranh và ý tưởng rằng, các quốc gia cần phát triển năng lực cạnh tranh bởi vì chúng đề cao ý nghĩa sống còn hơn bao giờ hết. Chỉ có thể thông qua cải thiện năng lực cạnh tranh chúng ta mới có những phương tiện giải quyết 4 xu hướng lớn nói trên. Nếu không giải quyết đúng đắn, cộng với việc thiếu đi nguồn lực, hệ quả mà chúng ta đã và đang gánh sẽ càng trầm trọng hơn p

Những lí do được xem là chi phối nền kinh tế toàn cầu

* Năng suất toàn cầu không tăng nhanh như trước đây mà thực tế lại đang chậm lại
* Cần phương pháp tính toán GDP một cách đúng đắn để đo lường năng suất chính xác hơn
* Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới
* Dân số ở độ tuổi lao động tăng mạnh, tạo làn sóng chống lại giao thương và quá trình toàn cầu hóa

(Theo WEF)