Hàng loạt hãng xe điện mất giá trị cổ phiếu

Cổ phiếu của hàng loạt hãng xe điện "bốc hơi" mạnh trong thời gian qua.

99% startup xe điện Trung Quốc sẽ thất bại?

Electric Last Mile Solutions, hãng xe điện khá tiếng tăm ở Mỹ bất đắc dĩ phải công bố tình hình kinh doanh tồi tệ, chỉ còn tiền để duy trì hoạt động hết tháng 5, cổ phiếu mất giá tới 90%. Cảnh phá sản ngay trước mặt Electric Last Mile Solutions.

Trong khi đó, cơn khủng hoảng xe điện tại Trung Quốc đã được bàn tán rất nhiều. Hay nói cách khác, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị trả giá khi có quá nhiều công ty xe điện ra đời. Hàng loạt cổ phiếu của các “ông lớn” xe điện ở Trung Quốc, như Nio đã giảm 49% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của X-Peng giảm 52% và cổ phiếu của BYD đã giảm 17%.

Khi giá xăng dầu toàn cầu đang tăng mạnh, lẽ ra đây là yếu tố giúp xe điện vươn nhanh đến ngôi vị thống trị, nhưng thực tế không như vậy. Những tay chơi giàu tiềm lực đã thấm bài học này kể từ khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, đặc biệt sau khi hàng loạt quốc gia đặt bút ký vào cam kết cắt giảm phát thải ở COP26 (Scotland). 

Đầu tư toàn cầu vào xe điện tăng nhanh hơn bất cứ lĩnh vực năng lượng mới nào, vượt xa năng lượng gió, mặt trời. Người ta ước tính số tiền bị chôn vùi tại các công ty xe điện lên tới vài nghìn tỷ USD. Nó đang bị kẹt vì lý do rất bất ngờ, đó là thiếu nguồn cung lithium.

Hãy tưởng tượng, lithium là trung tâm dịch chuyển phương thức sử dụng năng lượng mới từ hóa thạch sang tái tạo. Tesla có thể trả bất cứ giá nào để có lithium, Trung Quốc đào bới khắp Tây Tạng để tìm quặng, nhiều nhà sản xuất xe điện đang khát lithium hơn bao giờ hết.

Giá lithium tăng 500% trong 1 năm qua do nhu cầu về loại khoáng sản này tăng gấp đôi so với năm ngoái. Do đó, bình quân mỗi chiếc xe điện tăng giá 1.000 USD mới có thể giúp nhà sản xuất cắt lỗ, một số mẫu Tesla tăng tới 4.000 USD, thậm chí xe cũ mẫu Model 3 cũ còn đắt hơn xe mới!

Chi phí leo thang khiến ngành công nghiệp xe điện rơi vào khủng hoảng. Đối với lĩnh vực chế tạo pin - trái tim của phương tiện mới, còn trầm trọng hơn khi chiến sự Nga - Ukraine cắt đứt nguồn cung nikel, chì, cobal, vì không có nó thì không thể sản xuất pin.

Cơn tai biến của xe điện không có gì lạ, tương tự khủng hoảng Tulip ở Hà Lan hay bong bóng xe đạp ở Anh hồi thế kỷ 18. Đây là cuộc chơi chấp nhận đau thương của giới tư bản đứng đầu xu hướng. Ai trụ lại thành công, kẻ đó được tận hưởng đặc quyền, đặc lợi của ngai vàng.

Khan hiếm lithium là nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng

Khan hiếm Lithium là nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng xe điện

Manh nha “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Canada,…điên cuồng chạy đua tìm kiếm khai thác lithium hòng gầy dựng thế mạnh chiến lược. Nhưng nghịch lý ở chỗ, 3 quốc gia nắm trữ lượng Lithium lớn, dễ khai thác nhất là Arghentina, Bolivia và Chile lại không phải là các cường quốc công nghệ.

Xe điện được quảng bá như là giải pháp ưu việt giúp kéo dài sự sống trên trái đất, tuy vậy khai thác, chế biến nguyên liệu cho sản xuất xe điện là hệ sinh thái không hề thân thiện với môi trường.

Công cuộc đào bới, khai quật, tinh chế và những ngành công nghiệp phụ trợ còn ác liệt với môi trường hơn cả khai thác dầu mỏ dưới lòng đất.

Xu hướng tiêu dùng nhân văn sẽ đặt lại vấn đề và không dễ dàng chi trả một cách vô tư để sở hữu xe điện. Đây có thể trở thành nguyên nhân gây ra bất ổn chính trị, xung đột quân sự, chiến tranh đẫm máu như đã từng xảy ra với dầu mỏ.

Joe Lowry - sáng lập công ty tư vấn Global Lithium cho rằng: “Có rất nhiều lithium dưới lòng đất nhưng để đào lên đó là một vấn đề. Bởi việc khai thác Lithium sẽ phá hủy rất nhiều triền đất nông nghiệp màu mỡ ở châu Mỹ, Trung Quốc, Australia và hàng trăm loại hóa chất độc hại bị nới lỏng phạm vi sử dụng.

Nói cách khác, năng lượng hóa thạch phá hoại bầu trời, còn năng lượng tái tạo phá hoại bề mặt trái đất. Cả hai loại năng lượng này đều để lại hậu quả như nhau. Theo ước tính, cần đến 70.000 lít nước để tạo ra 1 tấn lithium, lượng carbon dioxit thải ra trong quá trình này hủy hoại tầng ozon không kém.

Cuộc khủng hoảng xe điện có nguồn gốc sâu xa từ thực trạng này. Tất nhiên, nó vẫn là xu thế không thể cưỡng lại, song đa phần sẽ chết trước khi bước đến cổng thiên đàng. Ví von như Giáo sư Đại học Maryland, David Kirsch: Khi thủy triều rút đi, bạn sẽ thấy ai không mặc đồ tắm”.