Chị Diệu Linh (ngoài cùng bên phải), chủ cơ sở tinh dầu tràm Hoàng Mây trong một chuyến từ thiện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Diệu Linh (bên trái), chủ cơ sở tinh dầu tràm Hoàng Mây trao tặng vật phẩm ủng hộ phòng chống dịch COVID-19.

Khi dịch bệnh COVID-19 ập xuống mảnh đất nghèo Quảng Trị, đã có người gục ngã trước căn bệnh quái ác này; hàng ngàn người phải cách ly, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, khó khăn nhân lên bội phần.

Nhưng từ khó khăn, con người “đất lửa” anh hùng lại cho thấy vì sao họ tồn tại được qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu, trường tồn với cát trắng, biển mặn và gió Lào rát bỏng. Đó là tấm lòng tương thân tương ái, đó là nhiễu điều phủ lấy giá gương,…

Qua lời kêu gọi của một “người bình thường” - anh Ngọc Sơn, ở Thị trấn Gio Linh (Quảng Trị), đã có hàng trăm người dân, rất nhiều doanh nghiệp, kẻ góp tiền, người góp gạo, mắm muối, thiết bị y tế,…cùng chung tay với địa phương vượt qua cơn hoạn nạn này.

Họ không hề quen nhau, nhưng “dòng máu thiện nguyện” chảy thường trực trong huyết quản đã đổ về một điểm, kết nối họ tụ lại cùng nhau trên những chuyến xe chở đầy ắp nghĩa tình, bất chấp nguy hiểm đến với những người yếu thế trong xã hội.

Khi tôi bấm điện thoại gọi cho chị Diệu Linh, chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Hoàng Mây, sau vài lời giới thiệu, đầu dây bên kia vang lên giọng nói đậm chất Quảng, chị nói không ngừng nghỉ về những chuyến đi, về tâm tư cháy bỏng của một người bén duyên rất sâu với công tác xã hội. Tôi cảm giác đây là con người nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng sống cho người.         

Dịch dã kéo theo cái nghèo cái khó, chị tâm sự: “Bản thân mình may mắn là cán bộ nhà nước, đồng lương không nhiều nhưng ổn định, lại có nghề “tay trái” nên bớt khó khăn, tận thấy cái nghèo của bà con, mình phải làm gì đó chứ!”

Nghĩ là làm, đợt dịch đầu tiên chị Linh móc 30 triệu đồng tiền túi tích cóp lâu nay, một ít mua mì tôm, gạo cùng đoàn về tận khu dân cư; với cá nhân - bằng cảm quan của một người phụ nữ thông minh, chị gửi cho họ vài ba trăm nghìn đồng,…

Nhóm thiện nguyện của chị Linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhóm thiện nguyện của chị Linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Dịch bùng phát lần hai, hậu quả nặng hơn rất nhiều, chị tiếp tục ủng hộ 70 triệu đồng mua hàng hóa, thiết bị y tế tặng cho dân nghèo các xã Hải Vĩnh, Hải Trường, Hải Thượng; cùng góp sức với Uỷ ban MTTQ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) trao tặng vật phẩm đến hàng trăm hoàn cảnh khó khăn.

Khi tôi hỏi về động lực, chị nói ngay “mình sinh ra từ nghèo khó, từ mấy thế hệ trong gia đình vẫn thế, vì khó nên muốn giúp người, giúp người cũng chính là giúp mình, gieo tốt sẽ gặp tốt,…”. Đơn giản như vậy thôi!

Cơ sở tinh chế dầu tràm của chị tuy không lớn, nhưng trong hai đợt dịch COVID-19 đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động. Đấy là điều rất đáng trân quý khi hầu hết doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp vượt mọi con số kỷ lục.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản GT vừa trả lời phỏng vấn vừa di chuyển trên cung đường ngoằn ngoèo, chị cùng nhóm thiện nguyện đang đến xã vùng sâu Vĩnh Trường (Vĩnh Linh) và xã Gio Châu (Gio Linh) - Quảng Trị.

Chuyến từ thiện lần này mang theo gạo, mỳ tôm, thiết bị y tế phòng chống dịch, trị giá vài chục triệu đồng. Đây không phải là lần đầu tiên “máu thiện nguyện” trỗi dậy trong con người chị Tuyết.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc công t TNHH Bất động sản GT trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ chống dịch COVID-19

Chị Nguyễn Thị Tuyết (áo dài), Giám đốc công ty TNHH Bất động sản GT trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ chống dịch COVID-19 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đầu tháng 8, chị đã trao tặng Uỷ ban MTTQVN TP Đông Hà (Quảng Trị) số tiền 100 triệu đồng kèm theo hy vọng góp chút sức mọn đầy lùi dịch bệnh, mong cuộc sống người dân sớm bình an trở lại.

Chị Tuyết được biết đến - ngoài hình ảnh là nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, thiết bị xây dựng, còn là người làm tự thiện “quen mặt” với bà con vùng khó.

Quảng Trị là vùng đất nghèo, nghèo đến…nổi tiếng! Cộng đồng doanh nghiệp ở đây đại đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Kiếm chén cơm manh áo đã khó, gây dựng sự nghiệp không phải dễ dàng. Nhưng có một thứ khó gấp vạn lần là lấy của mình cho người một cách vô tư.

Xin cảm ơn các nữ doanh nhân, những “bông hồng thép” trên mặt trận chống dịch.