Chiều nay (24/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn Khởi nghiệp 2018 với chủ đề: “Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp: Giải pháp từ thực tiễn".

ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

Vốn đầu tư mạo hiểm đứng thứ 4 khu vực

Tại diễn đàn, ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tính từ năm 2012 đến nay, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực, sau Singapore, Indonesia và Malaysia.

Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (KNST) với tổng số vốn hơn 291 triệu USD tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016. Mặc dù có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp KNST tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia, năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy số vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%.   

Toàn cảnh diễn đàn khởi nghiệp

Toàn cảnh diễn đàn khởi nghiệp " Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp".

Đây vừa là khó khăn vừa là cơ hội cho các start up tại Việt Nam, cho thấy lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực Đông Nam Á khá dồi dào. Nếu thu hút được nguồn vốn này thì thị trường đầu tư mạo hiểm trong nước sẽ phát triển lên rất nhiều” – ông Hiệu cho biết.

Nhiều tiềm năng phát triển

Giá trị đầu tư, giá trị thoái vốn, số lượng đầu tư mạo hiểm đều tăng lên từng năm. Từ năm 2015 đến nay, con số thu hút trong khu vực ASEAN khoản 7,86 tỷ USD.

Ở Việt Nam, không chỉ có sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần mà còn có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures), Quỹ sáng tạo CMC. “Họ có nguồn vốn dành cho các start up đang ở giai đoạn ươm mầm” – ông Hiệu cho biết.

Các đại biểu cỏ mặt tại diễn đàn khởi nghiệp 2018.

Các đại biểu cỏ mặt tại diễn đàn khởi nghiệp 2018.

Số lượng nhà đầu tư thiên thần ngày càng phát triển về số lượng, các hoạt động cũng như là tạo lập mạng lưới, câu lạc bộ để phát triển các doanh nghiệp start up.

Như vậy, thị trường vốn đầu tư KNST tại Việt Nam đang có những hoạt động đa dạng, tương đối sôi nổi từ cả nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quy mô vốn cũng như sự liên kết, hợp tác trong đầu tư KNST tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hệ sinh thái KNST Việt Nam.

Về mặt chính sách, với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg là nỗ lực đầu tiên ở quy mô quốc gia về hỗ trợ KNST, bao gồm các giải pháp, hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Hành lang pháp lý cho hoạt động KNST và đầu tư KNST hiện đang được từng bước hoàn thiện” – ông Hiệu nhận định. Hiện đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho KNST bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư KNST và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân. Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã cho phép việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời, quy định việc sử dụng ngân sách địa phương cùng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho KNST.

Ngoài những chính sách có tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, các chính sách liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói chung cũng rất được chú trọng trong việc thu hút đầu tư.

Về tiềm năng phát triển của các start up, ông Hiệu cho biết hiện có khoảng 3000 doanh nghiệp KNST với nhiều lĩnh vực tiềm năng như y tế, nông nghiệp, tài chính… Đối với nguồn vốn trong nước, các tập đoàn lớn có các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp start up. Theo thống kê số lượng tập đoàn lớn có lợi nhuận hàng năm trên 1.000 tỷ đồng năm 2017 lên tới hơn 30 tập đoàn, cùng với rất nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng khác. Song mới có một số ít tập đoàn thực hiện đầu tư vào thị trường này.

Hy vọng rằng trong diễn đàn ngày hôm nay chúng ta có thể thảo luận, thêm những ý kiến đóng góp tận dụng những nguồn vốn này trong tương lai” – ông Hiếu cho biết.