Thống đốc NHNN: Tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số

PHÓ THỐNG ĐỐC THƯỜNG TRỰC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐÀO MINH TÚ: "Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ, chuyển đổi số"

Năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng tương đối tốt. Kết quả TTKDTM qua các kênh trong 11 tháng năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng cao: qua kênh Internet tăng tương ứng 49,3% về số lượng giao dịch và 31,34% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,64% và 86,58%; qua kênh QR Code tăng tương ứng 50,36% và 130,97%.

Riêng về công tác cải cách hành chính (CCHC), triển khai Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Về cơ bản, NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHNN và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; góp phần tăng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam.

NHNN nhận định chuyển đổi số mang đến cơ hội và thách thức rất lớn với mọi cấp, ảnh hưởng rất nhanh đến doanh nghiệp. Trong ngành ngân hàng cũng đã đặt ra chủ trương nhanh chóng chuyển đổi số, thúc đẩy thah toán không dùng tiền mặt và 2021 đã đánh dấu 1 bước chuyển cơ bản từ nhận thức tới cung ứng các sản phẩm, đảm bảo được dịch vụ trong phát triển và cung ứng sản phẩm ưu việt cho người dân và doanh nghiệp như đã nêu ở trên.

Năm 2022, NHNN sẽ bám theo các vấn đề thời sự, định hướng trước hết là điều hành chính sách tiền tệ với phương châm điều hành linh hoạt phù hợp những tín hiệu đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền – giữ vững mục tiêu của các năm qua. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ, chuyển đổi số.

TS. ĐỖ THIÊN ANH TUẤN – GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC FULBRIGHT: "Điều quan trọng là quản lý cấp tín dụng, đảm bảo dòng tiền đi đâu"

Năm 2022, không gian điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức. Quan ngại nằm ở chỗ sức ép lạm phát trỗi dậỵ từ cả yếu tố nội tại trong nước lẫn rủi ro nhập khẩu lạm phát từ nền kinh tế các nước. Tuy nhiên, mặc dù thận trọng nhưng chúng ta cũng không cần quá bi quan về triển vọng kiềm chế lạm phát trong năm 2022. Khả năng cao là đỉnh lạm phát các nước Hoa Kỳ, EU và một số nước châu Á như Hàn Quốc rơi vào năm 2021 và sẽ dịu lại từ năm 2022 khi các nguồn cung được nối lại với tốc độ nhanh không kém sự phục hồi của sức cầu các nền kinh tế. Khủng hoảng giá dầu, giá năng lượng đang được kiểm soát tốt hơn trong khi các yếu tố cơ cấu cũng đang được xử lý. Tốc độ nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước đã được kìm lại sau các cảnh báo lạm phát trước đây.

Bên cạnh đó, nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là từ Trung Quốc, trong khi lạm phát đến nay vẫn chưa phải là mối lo ngại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Đối với Việt Nam, lạm phát CPI năm 2021 chỉ 1,84%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát năm 2021 chủ yếu do phía chi phí đẩy trong khi phía cầu yếu giúp kìm giữ lạm phát ở mức thấp. Lạm phát cơ bản, tức sau khi loại trừ giá hàng hóa cơ bản và năng lượng còn thấp hơn thế, chỉ 0,81% so với bình quân 2020. Năm 2021, tăng trưởng tín dụng gần 13%, trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) gần 9% là mức tương đối cao nếu so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa (tức bằng tăng trưởng GDP theo giá cố định cộng với tỷ lệ lạm phát) khoảng 4,5%. Tuy nhiên trừ các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì không có nhiều gói hỗ trợ tiền tệ đủ lớn dạng "tiền tươi thóc thật". Điều chúng ta e ngại ở đây chính là dòng tiền đi vào khu vực đầu cơ, tạo bong bóng giá tài sản như bất động sản, chứng khoán như chúng ta chứng kiến thời gian qua. Đây chính là vấn đề rất đáng quan tâm.

Về cấu trúc lạm phát, yếu tố cầu kéo năm 2022 dự báo sẽ tăng lên do kinh tế phục hồi nhưng cũng sẽ không quá bùng nổ khi thu nhập người dân bị bào mòn thời gian qua, nay vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Doanh nghiệp cũng sẽ không bung tiền đầu tư vào vốn thực một cách ào ạt do vẫn còn thận trọng trước các biến chủng Covid mới và sức cầu còn yếu của nền kinh tế. Gói tài khóa 291 nghìn tỷ đồng cho hai năm 2022-2023, tương đương khoảng 2,2% GDP mỗi năm, cũng không quá lớn để kéo vọt sức cầu của nền kinh tế. Về yếu tố chi phí đẩy, có hai nhóm thành tố chính đã đẩy chi phí lên cao thời gian qua là vận tải và lao động. Dự báo năm 2022 sức ép chi phí đẩy từ các thành tố này sẽ giảm đáng kể. Khả năng nền kinh tế Việt Nam đang nằm ở đoạn tổng cung có độ dốc thấp nên các chính sách phía cầu trong ngắn hạn có thể sử dụng được linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng về mức tiềm năng của nền kinh tế.

Đối với yếu tố tiền tệ, điểm mấu chốt là dòng tiền sẽ đi đâu nếu được bơm ra. Nếu đi đúng địa chỉ vào khu vực sản xuất, sẽ thúc đẩy hồi phục mà không đặt áp lực quá lớn lên lạm phát, nhưng nếu cấp tín dụng không chặt chẽ đó là điều đáng quan ngại, nhất là bơm tiền các hoạt động có tính chất đầu cơ. Chẳng hạn như nếu tiếp tục xảy ra tình trạng 'F0' bất động sản, chứng khoán và thậm chí tiền ảo tăng đột biến như trong năm 2021 sẽ rất rủi ro. Kiểm soát chất lượng tín dụng và dòng tiền là trách nhiệm của hệ thống tài chính và của Ngân hàng Nhà nước.

Còn dư địa hỗ trợ tiền tệ

Bài học từ chính sách hỗ trợ tiền tệ năm 2009 trước đây, chẳng hạn như gói hỗ trợ 4% lãi suất vẫn còn. Quốc hội mới thông qua gói hỗ trợ 2%/năm về lãi suất với quy mô lên đến 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ nền kinh tế, dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có khả năng trả nợ cho thấy quyết tâm thúc đẩy phục hồi kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.

Điều quan trọng lúc này là cần phải quản lý tốt việc cấp tín dụng để đảm bảo dòng tiền đi đâu. Điều này là thách thức bởi nếu quản lý chặt quá đến mức không giải ngân được thì là thất bại, nhưng nếu quản lý lỏng lẻo thì tai hại còn lớn hơn. NHNN cần ưu tiên cho các ngân hàng có tình hình tài chính lành, năng lực quản trị tốt, đạt chuẩn Basel II trở lên được quản trị một phần vốn vay ưu đãi theo dạng ủy thác và được khuyến khích bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả thì chính sách tiền tệ cần được phối hợp tốt hơn với chính sách tài khóa để đảm bảo đạt được các mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tốt nhất. Ngoài các chính sách phía cầu, việc thúc đẩy tốt các chính sách phía cung như nối lại nguồn cung, cải cách thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường tiềm lực khoa học – công nghệ, v.v… không chỉ có tác động thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà còn giảm sức ép lên lạm phát và bất ổn vĩ mô.

Tóm lại, tôi cho rằng chúng ta thận trọng nhưng không quá bi quan về triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2022. Theo mục tiêu tăng trưởng GDP thực khoảng 6-6,5% và lạm phát dưới 4% thì tốc độ tăng trưởng cung tiền trong năm 2022 khoảng 10-12% là có thể chấp nhận được. Theo đó, tăng trưởng tín dụng bình quân có thể đạt 12-14%, trong đó nên tập trung chủ yếu ở nhóm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và được quản trị tốt. 

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG – TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG OCB: Một bức tranh nhiều gam màu đan xen, có cả màu hồng thuận lợi lẫn sắc xám khó khăn

Phải nói lại một chút về 2021, thực tế chúng ta cũng đã rất lạc quan, nhưng ở trong tâm thế khác; chúng ta ngăn dịch chủ yếu bằng giãn cách xã hội, các công cụ như vaccine, thuốc, năng lực y tế… còn thiếu rất nhiều. Nhưng trải qua hết năm 2021 chúng ta đã khác, vaccine đã tiêm phủ tốc độ nhanh nhất trong khu vực, năng lực y tế đã sẵn sàng hơn… Đấy là điểm tích cực và quan trọng nhất. Điểm thứ 2 là COVID-19  như lò xo nén nhu cầu đầu tư, nhu cầu khác nhau của người dân và doanh nghiệp lại, do đó khi nền kinh tế phục hồi, các nhu cầu sẽ “bung ra”, sự tăng trưởng trong đầu tư, tiêu dùng, trong dân sẽ rất tích cực.

Ngoài ra gói hỗ trợ với các trọng điểm đầu tư công, hỗ trợ tài khóa… của Chính phủ sẽ tạo làn gió mới cho môi trường kinh tế của Việt Nam, nó vừa là sự kích thích vừa là trụ đỡ cho kinh tế giai đoạn phục hồi….

Hệ thống ngân hàng trong những năm qua cũng đã có sự nâng cấp về quản trị điều hành và tăng cường năng lực tài chính, quy mô các ngân hàng được củng cố, tăng cường; bên cạnh đó là sự tham gia sôi động từ các nhà đầu tư nước ngoài, làm cho nguồn vốn tài chính của các ngân hàng hiện nay khác hẳn giai đoạn mấy năm trước. Với năng lực mạnh hơn, khả năng tài chính tốt hơn và hoạt động trong môi trường thuận lợi hơn, chắc chắn các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Di chứng của đại dịch 2020-2021 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng. Hiện nay NHNN đang cảnh báo rất mạnh để các ngân hàng quan tâm. Song mức độ ảnh hưởng tại mỗi tổ chức khác nhau, do đặc thù khách hàng bị ảnh hưởng khác nhau. Ví dụ, có khách hàng trong mùa dịch sẽ bị mất hết các nguồn thu, hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ, nhưng sau khi hết giãn cách, họ sẽ khôi phục sản xuất được ngay và phục hồi trở lại (ví dụ ngành dệt may), vậy nên họ có đủ tiền để trả nợ cho ngân hàng. Ngược lại cũng có nhiều công ty doanh thu không được như vậy. Theo đó, chất lượng nợ, nợ cơ cấu phụ thuộc vào chất lượng danh mục tín dụng ban đầu của các ngân hàng, và giải pháp kết hợp giữa khách hàng với ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng phải lưu ý. Đơn cử như chính sách Zero Covid của Trung Quốc – đối tác xuất nhập khẩu rất lớn của Việt Nam, cũng sẽ có ảnh hưởng hoạt động thương mại của doanh nghiệp với thị trường này, thậm chí có thể tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lạm phát cũng là yếu tố được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, phải nói rằng năng lực kiểm soát lạm phát của NHNN hiện nay rất cao và tôi không cho đây là nguy cơ lớn có khả năng xảy ra với Việt Nam.

Nói chung Nhâm Dần 2022 là năm đan xen khó khăn, thách thức, thuận lợi nhưng lạc quan thì thuận lợi nhiều hơn và có khả năng sẽ là năm tích cực với kinh tế Việt Nam.

BÀ TRẦN THU HƯƠNG – GIÁM ĐỐC CHIẾN LƯỢC KIÊM GĐ KHỐI NGÂN HÀNG BÁN LẺ VIB: Số hóa là chiến lược tất yếu của ngân hàng bán lẻ

Việt Nam là một đất nước rất tiềm năng cho ngành bán lẻ với đặc thù tăng trưởng về dân số, GDP/người, về tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Theo đó, ngân hàng với vai trò xương sống của nền kinh tế, không thể đứng ngoài xu hướng phát triển sản phẩm – dịch vụ cho trên 100 triệu dân, hay có thể nói ngân hàng bán lẻ là xu thế tất yếu.

Tại VIB, nắm bắt được xu hướng sự chuyển dịch cơ cấu khách hàng và nhu cầu của thế hệ khách hàng sẽ có sự chuyển dịch lớn, từ cách đây 6 năm VIB đã tập trung vào số hóa để tiếp cận với nhóm khách hàng Millenials và Gen Z. 

Phân khúc khách hàng Gen Z chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng số khách hàng của VIB vào 2016 và hiện nay đã tăng lên 65%. VIB dự kiến phân khúc khách hàng trẻ sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng trong 2025. Hành vi của nhóm khách hàng này hoàn toàn khác với các khách hàng ở thế hệ U50 hay U60, họ hướng đến mua sắm, bảo hiểm và đầu tư vào nhiều tài sản mới thay vì tiết kiệm, và đầu tư bất động sản.

Đối với nhóm khách hàng này nhu cầu cá nhân hóa là rất cao do đó các ngân hàng cần sẵn sàng “đo ni đóng giày”am hiểu nhu cầu để đưa ra các sản phẩm may đo phù hợp. Sẽ không còn “one size fit all” (1 size cho tất cả) nữa, đồng thời cần tập trung về trải nghiệm, giảm thiểu các “paint point” khi tiếp xúc với các điểm chạm của ngân hàng.

Tôi cho rằng những ngân hàng đã sẵn sàng về số hóa sẽ có cơ hội bứt phá. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng có độ linh hoạt cao và mức độ chuyển đổi nhanh, mạnh mẽ. Ngân hàng đi tắt đón đầu được là ngân hàng giải quyết bài toán của khách hàng cá nhân tốt nhất.