>> Việt Nam - Hoa Kỳ: Hướng đến hiệu quả, thực chất, cùng có lợi

Quốc kỳ của Hoa Kỳ và Việt Nam. Ảnh minh họa/TXXVN

Quốc kỳ của Hoa Kỳ và Việt Nam. Ảnh minh họa: TXXVN

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5 tại Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc từ ngày 11-17/5.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Theo dự kiến chương trình hoạt động, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng nhìn lại, đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trước khi có được “thời khắc lịch sử này”, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phải trải qua gần nửa thế kỷ đầy thăng trầm và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng ban đầu cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự tiếp nối quan điểm của Đảng về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì lợi ích chung của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định của các quốc gia trên toàn thế giới.

Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu được cả hai phía nhận định là “ấn tượng” và “cách đây 27 năm khó ai có thể hình dung được”. Từ chỗ còn dè dặt và mang nhiều nghi kỵ, quan hệ Việt - Hoa Kỳ đã không ngừng được cải thiện theo thời gian và hai nước đã trở thành đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi năm 2013.

Trong suốt thời gian đó, đã có rất nhiều chuyến thăm của các quan chức hàng đầu của hai nước được mở đầu bằng việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher đến thăm Việt Nam vào tháng 8/1995 mở đường cho việc Hoa Kỳ mở Đại sứ quán ở Hà Nội và Việt Nam mở Đại sứ quán ở Washington. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 1-11-2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Anh) - Ảnh TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 1/11/2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Anh). Ảnh: TTXVN

Thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai bên duy trì tiếp xúc và điện đàm ở các cấp, đặc biệt ta tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (9/2021) và các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề COP26 (10/2021).

>> Bất chấp COVID-19, tăng trưởng thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục duy trì

>> Việt Nam - Hoa Kỳ định hình chuỗi cung ứng toàn cầu mới có sức chống chịu tốt hơn

Việt Nam đón thành công nhiều đoàn Hoa Kỳ thăm Việt Nam, đặc biệt là đoàn Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (8/2021). Hai bên duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến trong thời gian COVID-19.

 

Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”, tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng , y tế, năng lượng.

Ngày 10/11/2017, phát biểu trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: “Những nỗ lực trong việc kiểm kê quân nhân Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam là rất, rất quan trọng đối với tất cả chúng ta… Tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì sự hỗ trợ của họ…”.

Những nỗ lực “xích lại gần nhau” đã từng được cựu Ngoại trưởng Mỹ Kerry khi đến Việt Nam năm 2013 đánh giá: “Không có hai quốc gia nào làm việc chăm chỉ hơn, làm được nhiều hơn, và làm tốt hơn để xích gần lại nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai” so với hai quốc gia Việt Nam và Mỹ.

Nhìn rộng hơn, qua 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu quan trọng về đối ngoại. Từ một nước không nổi danh trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao.

 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội, và có cuộc gặp chính thức với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Quý Đoàn)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội, và có cuộc gặp chính thức với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2020). Ảnh: Quý Đoàn

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 thành viên G20 và toàn bộ các nước ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển.

Qua đó, lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam đã được đền đáp tương xứng. Điều này được thể hiện rõ qua việc Việt Nam đã đại diện, đóng góp tiếng nói của các nước đang phát triển, các nước vừa và nhỏ trong Hội đồng Bảo an, trên trường quốc tế. 

Ngoại giao Y tế và ngoại giao vaccine là một trong những điểm sáng trong thành tựu đối ngoại năm 2021 của Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào thực hiện thành công chiến lược vaccine, tạo cơ sở tiên quyết để Việt Nam từng bước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đồng thời đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Viện Hòa bình Hoa Kỳ nêu rõ: “Những thành tích vẻ vang đã đạt được trong chặng đường 77 năm trưởng thành và phát triển đã thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của ngành ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong sự nghiệp cách mạng”.

Để có những kết quả này, cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định trong hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc. 

Và 27 năm từ khi bình thường hóa quan hệ, chính là chặng đường quan trọng để hai bên tiến thêm bước nữa nuôi dưỡng và xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện -  một mối quan hệ hứa hẹn nhiều triển vọng.

Có thể nói, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước đã và đang tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ Mỹ – Việt. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm một lẫn nữa đã cho cả thế giới thấy được một Việt Nam năng động, một đối tác toàn diện với Mỹ và một Việt Nam nỗ lực xây dựng lòng tin để cải thiện quan hệ hai nước đã từng có thời kỳ là đối thủ trên hai chiến tuyến.