Theo “Báo cáo khoa học 2021” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây, Trung Quốc là một trong những nước đầu tư mạnh nhất cho khoa học và công nghệ trên thế giới.

Chiến lược đầu tư công nghệ của Trung Quốc

Tỷ lệ phần trăm đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ trên tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình toàn thế giới đã tăng từ 1,73% năm 2014 lên 1,97% năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh nhất cho nghiên cứu khoa học công nghệ khi đầu tư cho khoa học công nghệ của Trung Quốc chiếm gần 1/4 của toàn thế giới (24,5%). Trung Quốc không chỉ chiếm 25% nhân sự R&D của thế giới mà còn xếp hạng nhì thế giới về những ứng dụng sáng chế quốc tế trong năm 2018 (53.981), chỉ xếp sau Mỹ (55.981).

 Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ mới.

Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ mới.

Theo TS Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Trung Quốc hiểu rất rõ rằng để tạo nên sự bứt phá về công nghệ thì không thể phó mặc hoàn toàn cho khu vực tư nhân và thị trường mà cần có sự hỗ trợ đắc lực từ khu vực công và nhà nước. Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là ở các công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn...

Kế hoạch đột phá 10 năm mang tên Made in China 2025 thực hiện từ năm 2015 nhằm tự chủ về công nghệ cao với 3 điểm nhấn. Đó là: Ưu tiên phát triển 10 ngành công nghệ cao; ưu tiên tạo nên 7 “ông vua nội địa” về công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới với sứ mệnh tiên phong tiến ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu; tăng cường mua quyền sở hữu trí tuệ để bắt kịp và vượt sức mạnh công nghệ của Mỹ.

Bài học quỹ đổi mới sáng tạo

TS. Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KHCN cho rằng, chính sách thúc đẩy khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc đẩy mạnh việc thành lập các quỹ đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ R&D ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên công nghệ. Đồng thời, Trung Quốc đã khuyến khích các công ty tư nhân tham gia để giảm khoảng cách công nghệ với các nước tiên tiến.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phát triển một gói chính sách mới gồm 4 nhóm để thực hiện 3 mục tiêu chiến lược:

Thứ nhất là, tăng cường các gói tài trợ cho hoạt động R&D từ ngân sách nhà nước và các chính sách ưu đãi thuế rộng rãi cho hoạt dộng khoa học và công nghệ. Thứ hai là, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các khuôn khổ thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ ba là, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thông qua đào tạo các nhà lãnh đạo, nhân tài khoa học và công nghệ. Thứ tư là, cải thiện việc quản lý hoạt động R&D của nhà nước bằng cách đưa ra hệ thống đánh giá mới và tăng cường phối hợp trong hệ thống chính sách.

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc có thể thấy mấu chốt mô hình phát triển công nghệ của họ chính là năng lực tích lũy của các doanh nghiệp bản địa.