Buýt mini có cạnh tranh được với xe ôm công nghệ, trong ảnh là phòng điều hành và giám sát hoạt động xe buýt thuộc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP. HCM

Phòng điều hành và giám sát hoạt động xe buýt thuộc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP. HCM

Trung tâm Vận tải hàng khách công cộng - Sở GTVT TP. HCM cho biết dự kiến sẽ mở thí điểm 30 tuyến xe buýt mini đón khách ở các đường, hẻm nhỏ vào đầu năm 2019 để kích thích người dân sử dụng xe công cộng. 

Có giảm được kẹt xe?

Kẹt xe ở TP. HCM vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân sinh sống trên địa bàn TP. Nhiều năm qua TP đã có những chương trình cụ thể tập trung giải quyết tình hình kẹt xe, một trong những chương trình đó là đề án thí điểm hệ thống 30 tuyến buýt mini đón khách ở hẻm nhỏ. Đề án được Sở GTVT TP. HCM giao cho Trung tâm Vận tải hành khách công cộng phối hợp với Hội Khoa học để nghiên cứu, đề xuất thí điểm. Đề án này được các chuyên gia giao thông đánh giả sẽ giảm phần nào tình hình kẹt xe của TP. HCM hiện nay.

TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP. HCM, cho biết trong tình hình kẹt xe khá phức tạp hiện nay, mọi giải pháp, cả các ý kiến đề xuất, hiến kế… đều đáng trân trọng. Khi kẹt xe trở thành người bạn đồng hành với phát triển đô thị thì phương tiện xe buýt cũng không thể thiếu vắng trong đời sống thị dân. Phát triển hệ thống giao thông công cộng, tổ chức giao thông thông minh và kiểm soát nhu cầu, có lẽ là các giải pháp tương đối đồng bộ bền vững nhất hiện nay.

Để phát triển, xe buýt phải có mọi nơi thậm chí mọi lúc, đặc biệt phải đúng giờ. Nhưng tình hình đường xá tại TP. HCM làm cho xe buýt không phục vụ được như vậy, không phát triển thêm được số tuyến và số xe, do bề rộng mặt đường quá hẹp. Hiện nay TP có trên 4000 con đường nhưng đường rộng trên 7 mét chỉ chiếm 30% làm người đi chán nản, tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt tại TP. HCM giảm từng năm, dù đã trợ giá “khủng”. Bởi vậy việc đa dạng hóa các loại hình xe buýt theo kinh nghiệm thế giới và thực tế đường xá tại TP. HCM là điều hợp lý, và một trong những giải pháp chính là sử dụng buýt mini, để có thể chạy vào những đường phố hẹp.

Hiện nay trên thế giới cũng đã xuất hiện khá nhiều công nghệ buýt mini, như HongKong ngay từ năm 2014, đã có trên 4.350 minibus, Indonesia năm 2.006 cũng đã có trên 1.500 xe…

Khó cạnh tranh với xe ôm công nghệ

Trao đổi về đề án thí điểm 30 tuyến xe buýt mini đón khách ở đường, hẽm nhỏ nhiều người dân sống trên địa bàn TP. HCM cho biết đề án được triển khai sẽ có thêm một lại hình giao thông công cộng để người dân lựa chọn. Tuy nhiên thực tế hiện nay khi mà xe ôm công nghệ, taxi… có thể chạy vào tận các hẽm nhỏ nhất của TP để đón khách thì đề án xe buýt mini khó cạnh tranh. Khả năng người dân lựa chọn xe ôm công nghệ cao hơn nếu giá thành không chênh nhau nhiều.

Anh N.X.T, một người dân quận Gò Vấp, TP. HCM cho biết, để kích thích được người dân sử dụng xe buýt mini thì xe buýt phải tiện lợi đi được vào tận nơi với giá thành vé rẻ hơn các dịch vụ xe ôm công nghệ khác. Một thực tế hiện nay nữa là ở TP. HCM có khá nhiều mạng lưới đường nhỏ hẹp nên để xe buýt mini đi được vào các trục đường này là khó khả thi.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP. HCM giới thiệu về đề án thí điểm 30 tuyến xe buýt mini mà trung tâm đang thực hiện để đề xuất với TP

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP. HCM giới thiệu về đề án thí điểm 30 tuyến xe buýt mini mà trung tâm đang thực hiện để đề xuất với TP

Về vấn đề này TS. Phạm Sanh cũng cho biết, buýt mini không thể nào vào được mạng lưới đường hẻm như mạng nhện hiện nay của TP. HCM, mà chỉ chạy trên các đường phố bình thường như các phương tiện cơ giới 4 bánh khác. Nếu là buýt mini công cộng có thể không có trạm cố định mà chỉ có trạm đầu cuối cố định. Và cũng đừng đặt ra mục tiêu người dân TP chỉ cần đi bộ 200 mét là có buýt mini, xa rời thực tế và không đúng thông lệ thế giới.

Xe buýt mini đem ra thí điểm chỉ chạy được trên đường phố chật hẹp, nối kết với mạng lưới xe buýt thông thường hoặc sử dụng cho các mục tiêu phù hợp khác (như đưa rước học sinh, công nhân viên, bệnh viện, taxishare…), chứ khó chạy vào tận hóc hẽm như xe ôm công nghệ. Bản chất buýt mini là sản phẩm “lai” giữa bus và taxi, nhiều nơi vẫn gọi là taxishare, phù hợp với mạng lưới đường chật hẹp và sở thích sử dụng của một số người. Tại TP. HCM đề án này cần phải nghiên cứu ảnh hưởng cạnh tranh của lực lượng xe ôm công nghệ bởi lực lượng này mới vào tận hang cùng ngỏ hẽm, cơ động, thoải mái và giá xe ôm công nghệ không phải là cao.

TS. Sanh cũng cho biết thêm để đề án mở 30 tuyến buýt mini đón khách ở các đường, hẻm nhỏ đạt hiệu quả cần lưu ý đến mục tiêu và kết quả cụ thể của 30 tuyến buýt mini thí điểm. Nhu cầu từng tuyến có thật hay không, và nhu cầu bao nhiêu, đồng thời đánh giá hiệu quả và tác động từng tuyến. Bên cạnh đó cần cân nhắc chọn một loại xe hay nhiều loại (về kiểu dáng, số ghế, công nghệ, dịch vụ…) cho các khu vực TP về lâu dài. Phân tích hiệu quả với nhiều kịch bản về đầu tư, có thể vẫn trợ giá nhưng phải theo luật đấu thầu, đấu giá.