Sáng nay, quán cà phê vỉa hè nơi con phố tôi sống, chuyện chiến trường Syria, chuyện mấy ông đã “hạ cánh” bị khám nhà… bị “chèn sóng”, chủ đề “nóng” là câu hỏi cốc cà phê trên tay có pin hay không?

Song, hỏi cứ hỏi, không biết tìm ai trả lời, uống vẫn cứ uống, vì bất lực không thể phân biệt đâu là hàng xịn, hàng đểu. Chưa bao giờ cà phê mang đến nỗi ám ảnh như bây giờ!

Trồng và xuất khẩu cà phê là niềm tự hào của nền nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau xứ sở Brazil. Nhắc đến cà phê Việt, người ta nói ngay đến Trung Nguyên, nhưng ít ai biết gia đình Đặng Lê Nguyên Vũ (CEO Trung Nguyên) suýt mất thương hiệu vào tay một công ty chẳng liên quan gì.

Sự thể là tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Rice Field với mục đích đưa cà phê sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi hai bên đang còn thương thảo chưa đi đến ký kết gì thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ thế giới (WIPO). Rất may, sau hai năm thương thảo, tốn hàng trăm nghìn USD thương hiệu Trung Nguyên không mất.

Thêm sự cố hiểm nguy là năm 2010 bỗng nhiên xuất hiện tên miền trungnguyen.com.au, một tên miền thuộc về nước Úc. Sau nhiều tranh cãi, đến năm 2014 tên miền “ăn vạ” kia tự biến mất.

Cận cảnh cà phê trộn pin tích điện (Nguồn: Newzing)

Cận cảnh cà phê trộn pin tích điện (Nguồn: Newzing)

Còn khá nhiều đòn cạnh tranh không lành mạnh nhằm vào thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của cà phê Việt Nam lớn như thế nào. Sự cố của ông Vũ vỡ vạc ra rất nhiều điều về cái gọi là “thương hiệu” trong nền kinh tế thị trường.

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu đã khốc liệt, nỗi khổ của người trồng cà phê còn cay đắng hơn. Giá cà phê hiện tại ở Đắc Lắc và các tỉnh Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đang dao động ở mức 35.500 đến 36.000 đồng/kg. Như vậy, so thời điểm tháng 10/2017, giá cà phê đã giảm tới 6.000 -7.000 đồng/kg và giảm tới 10.000 đồng/kg so tháng 6/2017 khiến người trồng cà phê thua lỗ.

Không khó hiểu khi mà nông dân Tây Nguyên đồng loạt chặt hạ cà phê chuyển sang trồng tiêu, bơ, rồi lại phá tiêu trồng lại cà phê. Đằng sau những ly cà phê thơm phức có mặt khắp nơi từ khách sạn 5 sao cho đến quán cóc vỉa hè là vòng tròn bất ổn của hàng triệu nông dân.

Cà phê Việt Nam có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, là mồ hôi nước mắt của người nông dân một nắng hai sương. Nhưng ngay chính trong đất nước chúng ta có những người vì lợi ích cá nhân sẵn sàng phá hoại thương hiệu cà phê. Cà phê độn bột bắp, đậu nành có thể “bè bạn” với bao tử, nhưng cà phê hòa lõi pin tích điện thì không thể!

Ở đây không có từ nào cho “lương tâm” vì nó quá xa xỉ, mà hãy hỏi trách nhiệm của cơ quan an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương nơi xưởng sản xuất cà phê “độc” đã tuồn hàng tấn ra thị trường.

Ông Lê Như Hiền - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắc Nông - thông tin: “Việc sử dụng pin trong sản xuất vỏ hay hạt cà phê từ trước đến nay Đắc Nông chưa từng phát hiện, nhưng nếu đúng như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhưng, thưa ông! Sức khỏe người tiêu dùng đã bị đe dọa lâu nay, không cần lõi pin mà bột bắp, đậu nành, phụ gia “lạ” cũng đủ gây bệnh. Phải gọi đó là hành vi cố ý giết người. Bệnh nhân ung thư ngày càng nhiều và chưa một bệnh viện nào kết luận cụ thể là do cà phê hay cá, rau, thịt… Có nghĩa, đoạn cuối của thức ăn, đồ uống chứa độc vẫn chưa tìm ra. Ông Phó Chi cục nhẹ tênh “…nếu đúng như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng”. Hậu quả không “nhẹ” như ông nghĩ, cái đáng sợ nhất là “vàng thau lẫn lộn”.

“Cà phê pin” xuất hiện ở Đắc Nông, nghe nói chỉ được bán ở Đông Nam Bộ nhưng tận ngoài Bắc, ngoài Trung và có thể tận nước ngoài người ta đã nhìn cốc cà phê Việt Nam bằng ánh mắt e dè hơn. Ai biết đâu bẩn, đâu sạch? Ai kiểm chứng “cà phê pin” không bán khắp nơi?