LTS: Theo báo cáo, trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong năm Việt Nam ghi nhận một loạt các dự án đầu tư nước ngoài trị hàng tỷ USD. Báo DĐDN "điểm danh" các dự án “khủng” vào Việt Nam năm 2019.

Ngày 14/10/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Chủ tịch Charmvit Lee Dae Bong để xây dựng dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa ở xã Tân Minh và Phù Linh, huyện Sóc Sơn.

Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng về việc xây trường đua ngựa ở Việt Nam.

tổ hợp đua ngựa Với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Tổ hợp đua ngựa Với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương bổ sung dự án này vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự án sẽ được nhà đầu tư Hàn Quốc phát triển trên diện tích 125ha, trong đó có sân đua ngựa với sức chứa 30.000 khán giả, khách sạn, trung tâm hội nghị và khu biệt thự nghỉ dưỡng. Với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Dự án trường đua ngựa có tổng vốn đầu tư khoảng 9.557 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ vốn tự có của nhà đầu tư 120 triệu USD, 300 triệu USD còn lại sẽ vay từ các tổ chức tín dụng. Dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách khoảng 66 triệu đô la mỗi năm.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, là trường đua ngựa đầu tiên tại Việt Nam, Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời, trở thành 1 sân chơi mới trên lĩnh vực thể thao, du lịch cho người dân trong nước và du khách quốc tế, góp phần tăng ngân sách cho thành phố cũng như đóng góp cho sự phát triển của cả nước. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại Sóc Sơn được nhanh chóng và hiệu quả. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương giải phóng mặt bằng trong vùng thực hiện dự án, để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư ngay khi đã cắm mốc ranh giới dự án; sở, ngành và đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ về các thủ tục hành chính, liên hệ để nhà đầu tư thực hiện dự án được thuận lợi. 

Dẫu vẫn còn rất nhiều việc phải làm, gồm việc xây dựng và xin giấy phép kinh doanh đặt cược, nhưng việc được nhận giấy chứng nhận đầu tư Dự án đã có thể coi là một “cái kết có hậu” cho Charmvit. Bởi đây là dự án đã được nhà đầu tư đeo đuổi từ 20 năm trước, song đã có một thời gian phải tạm từ bỏ bởi hành lang pháp lý của Việt Nam chưa cho phép. Phải tới tận năm 2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, thì nhà đầu tư mới quay trở lại.

Cùng thời điểm này, rất nhiều nhà đầu tư đã đề xuất các dự án trường đua ngựa quy mô lớn ở xung quanh Hà Nội. Trong số đó, đáng chú ý có GOMAX, cũng quay trở lại sau hơn 10 năm đeo đuổi. Ban đầu, GOMAX chỉ đề xuất dự án có quy mô 570 triệu USD, nhưng khi quay trở lại sau khi Việt Nam có hành lang pháp lý về cá cược đưa ngựa, thì quy mô dự án được tăng lên gấp 3, lên tới 1,5 tỷ USD.

Cuối năm 2016, GOMAX thậm chí đã ký MOU với Vĩnh Phúc để triển khai dự án này. Những tưởng, dự án sẽ sớm được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư này vẫn đang phải chờ đợi. Ngoài ra, Golden Horse (Hàn Quốc) cũng đề xuất dự án trường đua ngựa 500 triệu USD tại Bắc Ninh.

Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đua nhận được chứng nhận đầu tư của cơ quan chức năng Việt Nam, Charmvit đang tạm dẫn đầu, vượt qua GOMAX, Golden Horse.

Nếu Charmvit sớm biến dự án này trở thành hiện thực, thì Tập đoàn sẽ thực hiện thành công kế hoạch mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Charmvit đang vận hành tổ hợp khách sạn Grand Plaza với 586 phòng cùng toà nhà văn phòng Charmvit Tower ở Hà Nội và sân golf 54 hố Phoenix tại Hoà Bình. Không chỉ thêm trường đua ngựa, Charmvit sẽ có thêm các dự án bất động sản ở khu vực này.
Bước đầu là hanh thông với Charmvit, nhưng chuyện kinh doanh đặt cược đua ngựa ở Việt Nam là không dễ dàng, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và khá nhạy cảm. Để được kinh doanh đặt cược, Charmvit còn phải làm thủ tục xin cấp phép đủ điều kiện kinh doanh và phải đáp ứng tất cả các quy định, tiêu chí được đặt ra tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP. Chưa kể sau đó, phải tổ chức kinh doanh đặt cược tại Việt Nam sao cho hiệu quả.

Charmvit sẽ một lần nữa phải “đặt cược” vào việc kinh doanh đua ngựa tại Việt Nam. Tương tự, các doanh nghiệp khác như GOMAX, Golden Horse… cũng phải tính toán xem có tiếp tục đặt cược với kinh doanh đua ngựa ở thị trường Việt Nam hay không. Bởi lẽ, Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam chắc chắn sẽ thận trọng hơn trong việc cho phép một nhà đầu tư nữa mở trường đua ngựa ở xung quanh Hà Nội. Hơn nữa, vấn đề không chỉ là pháp lý, mà còn là thị trường Việt Nam liệu có đủ lớn và đủ hấp dẫn để kinh doanh đua ngựa phát triển mạnh mẽ hay không?

Trong khi đó, ở phía Nam, mới có trường đua ngựa ở Bình Dương, nhưng dự án này chưa được phép kinh doanh đặt cược. Còn dự án trường đua ngựa 100 triệu USD ở Phú Yên của Golden Turf Club Pty. Ltd (Hồng Kông) cũng mới được trao chủ trương đầu tư, đang xin bổ sung nội dung kinh doanh đặt cược. Đà Nẵng cũng có Dự án trường đua ngựa và trung tâm huấn luyện, nhân giống ngựa khoảng 200 triệu USD của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam…

Nhiều trường đua, song có thể, cơ hội được kinh doanh đặt cược sẽ không dành cho tất cả. Giống như với kinh doanh casino, dù Chính phủ đã cho phép thí điểm người Việt Nam vào chơi trong casino, nhưng tới nay, mới có duy nhất casino Corona ở Phú Quốc nhận được giấy phép chính thức.