Dự án Nhà máy điện Mặt Trời Hòa Hội do Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với tập đoàn B.Grim (Vương quốc Thái Lan) khởi công từ tháng 11/2018, trên diện tích 265ha.

Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD

Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD

Dự án có công suất phát điện 257MWP, với tổng số vốn đầu tư 4.985 tỷ đồng, do Công ty cổ phần TTP Phú Yên làm chủ đầu tư. Theo ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TTP Phú Yên, Nhà máy điện Hòa Hội là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất ở Phú Yên cũng như khu vực miền Trung.

Dự án sử dụng quang điện với 752.640 tấm PV chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Dự án đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đánh giá cao chủ đầu tư đã thi công dự án đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra. Để dự án hoạt động hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Hữu Thế đề nghị chủ đầu tư vận hành dự án hiệu quả, tuân thủ bảo vệ môi trường, quan tâm an sinh xã hội, tuyên truyền cho người dân hiểu về hiệu quả của dự án mang tại, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Theo ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, đây là động thái thay đổi cơ cấu vốn cổ đông của Công ty B.Grimm Power PLC (Thái Lan) và Công ty cổ phần TTP Phú Yên. Năm 2018, nhà đầu tư này đã chi 32,5 triệu USD mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên - chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên.

Với những thế mạnh và chính sách cởi mở của Việt Nam về năng lượng tái tạo, cùng những kinh nghiệm đầu tư trong quá khứ, doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm tới thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời. Ông Audistti Stroithong, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam đánh giá, điện mặt trời là xu hướng đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019.

Nếu trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan thường tìm kiếm những tỉnh thuộc khu vực miền Trung và miền Nam vì lượng bức xạ cao, năng lượng gió dồi dào, thì nay họ khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực Bắc Trung bộ. “Doanh nghiệp Thái Lan sẵn sàng cho việc bước vào thị trường Việt Nam để triển khai đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo”, ông Audistti Stroithong cho biết.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư, như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu... Với các chính sách và cơ chế hỗ trợ khá hấp dẫn này, đã và đang xuất hiện một làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư đến từ Thái Lan.