Các ngân hàng cần bao nhiêu vốn đáp ứng chuẩn Basel II

Các ngân hàng cần bao nhiêu vốn đáp ứng chuẩn Basel II?

Cụ thể, đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản "có" rủi ro điều chỉnh là 8%.

Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có ước tăng 4,6%.

Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì nhu cầu tăng vốn của các tổ chức tín dụng là rất lớn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank, vấn đề tăng vốn của VietinBank hiện rất cấp bách, nếu trong quý I/2018 mà không tăng đủ vốn, hệ số CAR sẽ tụt xuống dưới mức tối thiểu so với yêu cầu của ngân hàng Nhà nước và basel II. Và do vậy, sẽ rất khó khăn đối với việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế. Hiện tại, VietinBank đã xoay xở nhiều giải pháp như bán bớt phần vốn nhà nước, duy trì tỷ lệ sở hữu của cổ đông đặc biệt này ở mức 64,5%.

Cùng đó, cơ cấu lại vốn tự có cấp I, vốn cấp II, phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp II, cấu trúc lại danh mục tài sản có. "VietinBank hiện trông chờ vào các cổ đông góp vốn để tăng vốn nhằm đảm bảo các mục tiêu nêu trên" - ông Thắng phân trần.

Ông Thắng cũng đề xuất một số phương án tăng vốn như sau: cho phép VietinBank giữ lại lợi nhuận bằng cổ tức nhưng chia bằng cổ phiếu; bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng theo đề xuất mà ngân hàng đã trình ngân hàng Nhà nước và Chính phủ; đồng thời, Chính phủ dùng các nguồn khác như quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để bổ sung vốn cho ngân hàng...

Năm 2018, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 15% - 17%; nguồn vốn huy động 18% - 20%; dư nợ tín dụng 16 - 17% và nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ. Đại diện Vietcombank cho biết thêm, năm 2018 mở ra cơ hội tốt hơn so với 2017 khi hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo tiếp tục khả quan trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhịp độ cao; các ngân hàng đang quyết liệt triển khai tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn mực basel II theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.

Hay như Vietcombank đã triển khai chương trình Basel II từ nhiều năm nay, triển khai 24/37 sáng kiến với mục tiêu đảm bảo là ngân hàng tiên phong trong việc tuân thủ các quy định và mốc thời gian theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước. 

Hiện nay, các ngân hàng nhìn chung đã chủ động xây dựng phương án tăng vốn, trong đó riêng phương án tăng vốn Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 

Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, Thông tư số 41 với những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, nguồn vốn, đòi hỏi phải cần có “tiền tươi thóc thật” sẽ càng làm khó cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ…

Phương án tăng vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn thông qua 3 kênh: Giữ lại lợi nhuận; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu cho cổ đông tiềm năng. Ngoài ra, sáp nhập cũng được coi là một trong những phương án để ngân hàng tăng vốn. Tuy nhiên, đây sẽ là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ lắm các ông chủ ngân hàng mới phải sáp nhập.

Cho đến thời điểm hiện tại, phương án tăng vốn các ngân hàng đề xuất với NHNN vẫn ưu tiên là giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng với đó là phương án dùng các nguồn quỹ dự trữ để tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu…

Theo các chuyên gia, thực tế đã chứng minh, chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các NHTM trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Với Basel II, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp rủi ro. Do vậy, năm 2018 sẽ là năm bản lề để các NHTM có lộ trình rõ ràng đáp ứng các yêu cầu về chuẩn theo qui định của NHNN và chuẩn Basel II.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay có mức tăng đến chóng mặt và là nhóm cổ phiếu này dẫn dắt thị trường nhờ vào kết quả kinh doanh, hầu hết các ngân hàng thương mại đều ghi nhận lợi nhuận năm 2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Phương nhận định việc tăng giá quá nhiều của nhóm cổ phiếu này chính là rủi ro cho nhà đầu tư vì lợi nhuận đã phản ánh vào giá cổ phiếu.