Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI

Báo cáo tóm tắt về kết quả công tác 8 tháng đầu năm và kế hoạch nhiệm vụ công tác 4 tháng cuối năm 2021 của VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, VCCI đã tích cực triển khai các nhiệm vụ công tác chủ yếu theo Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 13, khóa VI, Hội nghị cán bộ nhân viên và tổng kết công tác năm 2020 đề ra. Các hoạt động có thể lượng hóa đạt mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động trong tâm, trọng điểm về cơ bản vẫn được triển khai thực hiện theo kế hoạch và đạt kết quả tốt.

Tân Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công điều hành Hội nghị

Tân Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (thứ ba từ phải sang) điều hành Hội nghị.

Một số hoạt động tiêu biểu được Tổng Thư ký VCCI điểm qua gồm:  Thường xuyên nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp tình hình kinh tế - doanh nghiệp và tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả cho Chính phủ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch Covid-19; tiếp tục phát huy vai trò trong công tác góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách, tham mưu cho Đảng, Nhà nước; công tác xúc tiến thương mại – đầu tư, đại diện giới sử dụng lao động và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững…

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song Tổng Thư VCCI cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của VCCI trong 8 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể là, việc thực hiện kế hoạch công việc chung của toàn hệ thống chưa đạt kế hoạch đề ra (mức độ hoàn thành đạt 80% so với kế hoạch); một số hoạt động trọng tâm còn chậm so với kế hoạch. Về nguyên nhân, do tác động của đại dịch Covid-19, nên nhiều hoạt động bị chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh kế hoạch theo hướng giảm số lượng, hoặc thậm chí không thể tổ chức được như: hoạt động đào tạo, khảo sát thị trường, hội nghị, hội thảo quốc tế

Liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội VCCI lần thứ VII, Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong gần 1 năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường trực và Ban Chấp hành đã tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII. Các nội dung công tác chuẩn bị cho tổ chức Đại hội đều được tiến hành đồng bộ và đã đạt được kết quả tích cực.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 13 vào ngày 10/3/2021, Ban Thường trực đã báo cáo đầy đủ Ban Chấp hành các nội dung công tác chuẩn bị đại hội đã thực hiện, gồm có: việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các nội dung sửa đổi tương ứng đối với Điều lệ VCCI; Đề án cơ cấu nhân sự Ban Chấp hành; dự thảo văn kiện đại hội. Cho đến nay, các công việc quan trọng để chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã được Ban Bí thư chỉ đạo để tiếp tục hoàn thành.

Tổng Thư ký VCCI cho biết, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trong 4 tháng cuối năm 2021 VCCI sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai Chương trình hành động của VCCI thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 09/NQ-BCT về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; và các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP…

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đề xuất với Bộ Chính trị về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy thực hiện nghị quyết trong thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; các dự án phát triển bền vững; thực hiện chức năng đại diện giới sử dụng lao đông; tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do FTA và xu hướng dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng, dòng vốn FDI mang lại; hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; hỗ trợ liên kết và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp…

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tập hợp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Về phương thức, cách thức tổ chức công việc, để có thể tập hợp, hiệu triệu cộng đồng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid, ngay trong tháng 9/2021, VCCI sẽ khẩn trương thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 sau khi tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành.

Thứ tư, tiến hành các bước để sớm tổ chức Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khóa VII với các công việc cụ thể như sau: Rà soát, hoàn thiện các báo cáo đã được Ban Chấp hành thông qua tại các kỳ họp trước và đã trình các cấp thẩm có thẩm quyền cho ý kiến; Công tác chuẩn bị về tổ chức, hậu cần cho Đại hội; Hội nghị hiệp thương cử đại biểu dự Đại hội. Đại hội chính thức (khóa VII) có thể được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy cán bộ ở cơ quan VCCI. Rà xét, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ chế trả lương mới theo hiệu quả công việc, đề cao kỷ luật lao động, thúc đẩy sáng tạo, tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc, cũng như của từng cán bộ nhân viên.