Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho biết, nếu không kinh doanh thì không cần phải có điều kiện. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho rằng, tổ chức hay cá nhân làm từ thiện không cần phải quy định điều kiện. Ảnh: Nguyễn Việt

Trong đó, liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã sửa đổi Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, Cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.

Đáng lưu ý, dự thảo bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan; trong đó bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Đề xuất trong dự thảo luật Đầu tư sửa đổi có bổ sung một số ngành nghề mới vào kinh doanh có điều kiện như: yêu cầu cơ sở bảo trợ người già phải có bằng đại học và chứng chỉ được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cấp, hay yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện y tế...

Trao đổi bên hành lang Quốc hội với DĐDN về vấn này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho biết, nếu không kinh doanh thì không cần phải có điều kiện. Theo luật đầu tư hiện hành, khi đặt ra điều kiện kinh doanh là phải do Quốc hội quyết định bằng luật và giao Chính phủ quy định các điều kiện kinh doanh.

Còn với tổ chức hay cá nhân làm từ thiện, ông Giang cho rằng, không cần phải quy định điều kiện. Riêng với những lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người thì vẫn cần phải có điều kiện. Chúng ta không thể nói cai nghiện ma túy, cai nghiện thuốc lá là những ngành nghề mang tính chất xã hội.

Vấn đề ở đây là sử dụng thuốc gì, cai nghiện như thế nào…sẽ cần phải có chuyên môn và các điều kiện cần thiết để từ đó có quy trình cai nghiện hợp lý nhất nhằm đảm bảo sức khỏe cho người đi cai nghiện. “Với phương thức cai nghiện bằng bài thuốc gia truyền mà không cần điều kiện là thiếu sót”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông Giang đưa ra ví dụ về chăm sóc người cao tuổi, một số cơ sở như nhà chùa, cơ sở tôn giáo chăm sóc người cao tuổi, vô gia cư với tính chất từ thiện thì sẽ không có cơ quan nhà nước nào đòi hỏi phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh. Nhưng khi mở ra một cơ sở chăm sóc với hình thức kinh doanh như viện dưỡng lão thì phải đáp ứng đủ điều kiện là hợp lý. Vì liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó có cả nuôi dưỡng, khám chữa bệnh…

Nhưng quan trọng hơn, theo ông Giang, điều kiện đó là cái gì, chứ không phải là có điều kiện hay không có điều kiện. Vì có những điều kiện đặt ra gần như để cấm, nhưng cũng có điều kiện đặt ra mà “cũng như không” thì liệu có cần thiết phải đặt ra các điều kiện hay không?

Ông Giang đánh giá, đặt ra điều kiện cần căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ nhằm phúc đáp những yêu cầu từ thực tiễn để đặt ra điều kiện cho phù hợp. Trả lời câu hỏi với việc bổ sung thêm 6 điều kiện kinh doanh liệu có tạo thêm rào cản kinh doanh hay không? Ông Giang cho rằng, Chính phủ không phải đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà Quốc hội phải quyết định điều kiện đó là cái gì mới là điều quan trọng. Quốc hội khóa trước khi ban hành Luật Đầu tư mới chỉ quy định danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà chưa quy định điều kiện bên trong từng ngành nghề.

“Thời gian tới, nếu đã xác định tính ổn định của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó thì có thể nâng lên thành luật, tức là Quốc hội sẽ quyết định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là cái gì, đây mới là gốc của vấn đề”, ông Giang nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, chúng ta cần phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, sau đó giám sát các hoạt động theo đúng pháp luật, không nên tạo thêm rào cản. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, chúng ta cần phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, sau đó giám sát các hoạt động theo đúng pháp luật, không nên tạo thêm rào cản. Ảnh: Nguyễn Việt

Đánh giá về quy định này, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đưa ra như vậy chắc hẳn cũng có những lý lẽ riêng. Nhưng chúng ta cũng cần phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, sau đó giám sát các hoạt động theo đúng pháp luật, không nên tạo thêm rào cản. Chính phủ kiến tạo là phải tạo ra được nhiều doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm các thủ tục rườm rà để không làm khó doanh nghiệp.