Tuy nhiên, diễn tiến công cuộc xây dựng đất nước có nhiều thay đổi, buộc các tổ chức chính trị xã hội phải thay đổi theo. Tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam đều ghi rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội mà đầu mối là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), nhưng những năm gần đây hoạt động của các tổ chức này có lúc, có nơi bị “hành chính hóa”, song trùng nhiệm vụ với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, thực trạng này khiến xã hội có cái nhìn khá lạnh nhạt.

Đã đến lúc trả về cho MTTQVN và các đoàn thể nhiệm vụ vốn có – là nơi tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hoặc “đính kèm” thêm những nhiệm vụ mang tính thời đại, một trong hai con đường này phải được cụ thể hóa.

Đơn cử như những vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, người nông dân lao đao “được mùa mất giá”… không hiếm trường hợp chẳng biết kêu vào đâu. Nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trách nhiệm này thuộc về ngành nông nghiệp hay Hội nông dân? Đây là câu hỏi buộc phải trả lời. Nếu trách nhiệm thuộc về ngành nông nghiệp thì phải có chế tài, nếu thuộc về Hội Nông dân thì phải giao nhiệm vụ cụ thể.

Về mặt “lượng”, các tổ chức chính trị - xã hội hầu như bao quát hết thảy mọi đối tượng trong xã hội, hay nói cách khác không một ai trong 93 triệu dân “đứng ngoài” tổ chức. Nhưng xét khía cạnh “chất”, không phải không có những vấn đề mà Đảng cần bàn bạc tháo gỡ. Nguyên tắc “cách tân” ở đây là “quý hồ tinh...”, tức là không cần quá nhiều tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mà chỉ cần một tổ chức làm việc này với hiệu quả cao hơn, nhiệm vụ rõ ràng hơn, như thế sẽ tinh giảm được nhân sự, kinh phí, phương tiện hoạt động.

Đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nên chăng gộp tất cả các tổ chức chính trị xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đề xuất này có cơ sở khoa học, bởi vì xét về mặt tổ chức, các đoàn thể còn lại đều là tập con của MTTQVN, nhiệm vụ của MTTQVN và các đoàn thể không khác nhau mấy. Khi gộp lại sẽ tạo thành một tổ chức Chính hiệp bằng một đầu mối duy nhất được tạo thành bởi các bộ phận phụ trách các giai tầng trong xã hội.

Nhiệm vụ hiện nay của MTTQVN và các đoàn thể phải được đa dạng hóa một cách cụ thể hơn để không rơi vào “hành chính hóa”. Giống như giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Nhiệm vụ nào cũng yêu cầu tính hiệu quả, vì vậy, đổi mới đường nào chăng nữa thì hoạt động, tổ chức của MTTQVN và các đoàn thể xã hội cũng phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả.