Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Nhà nước không nên “khoán trắng” cho doanh nghiệp trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.

 PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ươn

PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

- Ông nhìn nhận ra sao về vai trò cần có của các cấp chính quyền trong công tác cải tạo chung cư cũ tại Việt Nam hiện nay?

Trong công tác cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ tại Việt Nam hiện nay, việc đầu tiên là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 cấp chính quyền liên quan trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện, thị xã và cấp xã phường. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ của 3 cấp chính quyền nói trên thì mới có thể giải quyết được 5 vấn đề lớn đang chi phối hoạt động cải tạo chung cư cũ hiện nay.

Năm vấn đề gồm: Thứ nhất là chiều cao nhà chung cư sau cải tạo; Thứ hai là mật độ xây dựng; Thứ ba là tỷ lệ đền bù cho người dân sở hữu nhà chung cư cũ; Thứ tư là có di dân hay không di dân cũng như có tạm cư hay không tạm cư hoặc có tái định cư tại chỗ; Thứ năm là tỷ lệ đồng thuận của tất cả các bên liên quan.

- Quyết tâm cải tạo chung cư cũ của nhà nước đã có từ lâu, nhưng nhìn chung kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, theo ông nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì?

Sở dĩ công tác cải tạo chung cư cũ thời gian qua còn ì ạch là do chúng ta đang mắc cạn ở câu chuyện Nhà nước không thể “khoán trắng” cho doanh nghiệp để cải tạo chung cư cũ. Trong khi, người dân đang ở các chung cư cũ cũng không phải có nghĩa vụ với doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng không thể tự thỏa thuận được với người dân.

 Đến nay mới chỉ có 1% trong tổng số 2.500 chung cư cũ, hư hỏng trên cả nước được cải tạo, xây dựng lại. (Hiện trang chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Ảnh: TP)

Đến nay mới chỉ có 1% trong tổng số 2.500 chung cư cũ, hư hỏng trên cả nước được cải tạo, xây dựng lại. (Hiện trang chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Ảnh: TP)

Trong thực tế cải tạo chung cư cũ, nhiều dự án nhận được sự đồng thuận của đa số người dân, nhưng chỉ cần một vài người đưa ra những đòi hỏi vô lý thì dự án sẽ bế tắc. Rõ ràng nếu cứ mặc kệ một vài đòi hỏi vô lý thì không thể có sự đồng thuận của 100% người dân.

- Ông có thể đưa ra một kinh nghiệm quốc tế cụ thể về vấn đề này?

Kinh nghiệm và bài học quốc tế cho thấy, chừng nào chưa có sự vào cuộc của chính quyền đúng mức thì không thể thành công được. Chúng ta có bài học của nước láng giềng Trung Quốc khi cải tạo TP Bắc Kinh. Một đại đô thị có chiều ngang 63km, chiều dọc 45km mà chỉ trong 14 năm từ năm 1994 đến năm 2008, họ đã làm một TP Bắc Kinh mặt tiền mới tinh. Thậm chí, tại đây còn có những những tòa nhà, khu nhà từ thời “nguyên mông”, các đây 700 năm mà họ vẫn giải tỏa được.

Làm được điều này là do họ đã có một cơ chế hợp lý, họ thực hiện việc nhà nước đứng ra thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu chung cư cần cải tạo rồi thuê các doanh nghiệp xây theo quy hoạch mới. Chỉ khi nhà nước đứng ra đóng vai trò trung tâm thì mới có thể thu hút được nguồn vốn để phục vụ cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cũ cũ.

Thực tế cho thấy, khó có nhà nước nào đủ vốn đầu tư xây dựng mới tất cả các khu đô thị mới mà chỉ nên thể hiện tốt vai trò trọng tài cân đối lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!