Đây là lưu ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ GTVT về việc kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

p/Ngành hàng không đã rà soát và đề xuất cắt giảm 53/78 điều kiện, tương đương 67,95%. (Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Tạ Tôn)

Ngành hàng không đã rà soát và đề xuất cắt giảm 53/78 điều kiện, tương đương 67,95%. (Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Tạ Tôn)

Thực hiện đúng cam kết?

Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây rất rõ ràng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đạt ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính đối với hàng hóa, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính đối với hàng hóa, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra thực tế, có một số bộ, ngành tuyên bố cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng khi ban hành văn bản lại cắt giảm ít, chưa đúng cam kết. Cũng có tình trạng ban hành văn bản mới, bãi bỏ được điều kiện này lại “đẻ” ra điều kiện khác, mà như một số chuyên gia nói là “cài cắm” các điều kiện khác. Hay tình trạng ban hành văn bản pháp luật rất tốt, nhưng thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp với người dân và doanh nghiệp còn có khoảng cách.

  Còn tình trạng ban hành văn bản pháp luật rất tốt, nhưng thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức có khoảng cách khá xa. 

Phó Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 01/2018 là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục chuyên ngành, kết nối một cửa với ASEAN và triển khai mạnh mẽ kết nối các thủ tục hành chính trên cổng một cửa quốc gia là một thách thức rất lớn. Chính vì vậy, từ năm 2019, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hải quan chuyên ngành phải tiến hành thực chất hơn. Quan trọng là sự hài lòng của người dân chứ không phải là những thay đổi trên văn bản.

Ghi nhận kết quả của Bộ GTVT

Mặc dù, Bộ GTVT dẫn đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (trong số 20 bộ, ngành) theo đánh giá xếp hạng ICT Index quốc gia, Tuy nhiên, Bộ GTVT luôn đi đầu trong kết nối với một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Ghi nhận Bộ GTVT là một trong những cơ quan tích cực nhất trong chỉ đạo triển khai cơ chế một cửa quốc gia, song, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ còn dư địa và còn phải tiếp tục cải cách nhiều hơn trong thời gian tới.

Thực tế đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ GTVT đã cắt giảm 69/134 sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; đơn giản hóa 7/9 thủ tục hành chính liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành (chiếm 77,78%). Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định cam kết “cắt giảm thực chất”, không phát sinh thêm thủ tục khác. Nếu báo chí và doanh nghiệp phản ánh đến Bộ, chúng tôi xử lý ngay. Liên quan tới cục, đơn vị nào có thủ tục bất hợp lý, chúng tôi dứt khoát sẽ kiểm điểm trách nhiệm ngay.

Tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy, thậm chí còn nhiều yêu cầu chứng từ dư thừa.