Thật tuyệt vời nếu có một thành phố ít phương tiện cá nhân - xe máy chẳng hạn, ở đó nhu cầu đi lại được đảm bảo bởi phương tiện công cộng như xe bus, metro, không có cảnh tắc đường, ít tai nạn giao thông.

Nhưng, xe máy với người Việt Nam thật sự rất quan trọng, không một tầng lớp nào ở Việt Nam đang sống mà chưa từng sở hữu và sử dụng.

Cũng phải thấy rằng xe máy là một trong những phương tiện giao thông nguy hiểm nhất - chí ít là ở nước ta, mỗi năm gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, đa số sử dụng xe máy.

Ngoài ra, xe máy là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, rối loạn giao thông công cộng, xa hơn sản xuất và vận hành xe máy làm tiêu tốn lượng khổng lồ tài nguyên thiên nhiên.

Vậy nên, khi xe máy ít đi tức là đã giải quyết được vô số vấn đề trên, nhưng tuyệt nhiên, để người dân không mặn mà với xe máy - bằng biện pháp cấm như Hà Nội đang làm hoàn toàn không khả thi.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) vừa khai trương tuyến tàu điện ngầm sau 5 năm xây dựng

Thủ đô Jakarta (Indonesia) vừa khai trương tuyến tàu điện ngầm dài 15,7km trị giá 1,2 tỷ USD, sau 5 năm xây dựng

Hãy tham khảo vài con số thống kê: mạng lưới xe buýt Hà Nội sau 10 năm đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến; nhưng đường dành riêng cho xe buýt chỉ được 16,7 km. Sau 10 năm mở rộng thủ đô, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng 0,28% /năm, chỉ đạt 8,96% năm 2017. Sau hơn 10 năm, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên “sắp đi vào hoạt động” với tốc độ bình quân chỉ 35km/h.

Thế nhưng, cũng chỉ trong 10 năm ấy tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đạt kỷ lục 12 - 15% mỗi năm.

Cụ thể, nếu 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện cá nhân thì tới 2017, con số này đã là 6 triệu, và 540 ngàn ôtô. Khoảng 27.000 phương tiện đăng ký mới mỗi tháng là một con số khủng khiếp.

Song, tốc độ tăng trưởng phương tiện tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội, nó cho thấy điều đầu tiên, tăng phương tiện là do nhu cầu bức thiết từ người dân!

Để loại bỏ một phần nhỏ trong số lượng phương tiện không lồ này cũng là vấn đề nan giải, không đơn thuần là biện pháp mang tính chất kỹ thuật, hay nói cách khác, không dễ thực hiện bằng một lệnh cấm.

Nếu xem giao thông là một loại hình dịch vụ, thử nhìn rộng ra dưới góc độ “cung - cầu”. Đi lại là “nguồn cầu lớn” thậm chí bất tận, nhiều con số đã chứng minh. Trong khi đó “nguồn cung dịch vụ giao thông” công cộng quá ít ỏi - nếu không muốn nói là chưa đủ đáp ứng.

Phương tiện cá nhân lại đang đảm bảo tốt vai trò “cung tối đa”. Buộc người dân chuyển sang phụ thuộc vào nguồn cung ít ỏi là cách làm phi logic. Nếu muốn người dân chuyển sang phương tiện công cộng thì hãy tạo cho nó đủ khả năng “cung” tối đa. Lúc đó xe máy tự triệt tiêu.

Hà Nội sẽ “thí điểm” cấm xe máy ở hai tuyến đường, bằng niềm tin: “Với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm 2030, hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân”.

Cũng có nghĩa rằng, trong vòng 30 năm tới người dân phải “chịu khó” tập thói quen không được đi xe máy. Loạt hệ quả này không biết Hà Nội đã tính đến hay chưa.

Cái sự “chắc chắn” mà người ta thường khẳng định - bản thân nó đã là điều không lấy gì làm chắc chắn. Vì “chậm tiến độ”, “đội vốn”, “điều chỉnh bổ sung quy hoạch”… với đủ các loại lý do vốn không xa lạ ở nước ta.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội chỉ hành trình 12km mất 10 năm thi công, rất nhiều chuyện “bên lề” không hay. Liệu 10 năm, 20 năm nữa Hà Nội - một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới được phủ kín mạng lưới giao thông công cộng? Rất khó trả lời vào lúc này.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) vốn kẹt xe khủng khiếp nhất châu Á vừa khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên dài 15,7km. Tàu do Công ty Nippon Sharyo của Nhật Bản sản xuất, mỗi chuyến có thể chở 1.950 hành khách với tốc độ từ 80km/giờ tại đường ray trên cao và 100km/giờ dưới lòng đất. Chi phí 1,2 tỷ USD và chỉ mất 5 năm để hoàn thành.

Sở dĩ giá xe ôtô ở Việt Nam thuộc loại đắt nhất thế giới là vì nhiều ý kiến cho rằng “để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông”, cái lý ấy có thể chấp nhận được. Nhưng không thấy ai hứa hẹn khi nào hạ tầng giao thông đủ đáp ứng và giá ôtô “cởi” bớt thuế cho dân được nhờ.

Nếu cấm xe máy, viễn cảnh “bùng nổ xe hơi” sẽ xảy ra ở nước ta như những năm 2000 - thời điểm bùng nổ xe máy. Khi đó áp lực lên hạ tầng giao thông còn khủng khiếp hơn. Và biết đâu 30 năm sau người ta lại đổ lỗi do người dân sở hữu ôtô quá nhiều!