Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm giữa quốc lộ 15A với tỉnh lộ 2), trong đó có đoàn chúng tôi hơn 40 người tham gia chuyến đi về nguồn lần này.

THẮP NHANG TRƯỚC MỘ 10 CÔ GÁI THANH NIÊN XUNG PHONG

Người dân thắp nhang trước mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đặc biệt trong những ngày tết cổ truyền dân tộc, hàng chục ngàn lượt người dân khắp mọi miền đất nước đã đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh nơi Ngã ba Độc Lộc. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng với hàng ngàn chiến sĩ, nhân dân sẽ mãi vang vọng.

Tấm bia Tổ quốc ghi công đặt trang trọng trước mộ 10 cô gái thanh niên xung phong cùng quê Hà Tĩnh có tên từng chị Nguyễn Thị Tần - tiểu đội trưởng, Hồ Thị Cúc - tiểu đội phó và các đội viên Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân, Hà Thị Xanh.

Ai cũng nghẹn ngào khi nữ hướng dẫn thuyết minh “Các cô đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng, tinh thần quả cảm, chính nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc đời của các cô đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử”.

Ngã ba Đồng Lộc bị rung chuyển vì bom đạn, gần 50 ngàn quả bom, không kể rốc-két đã trút, ròng rã trong 7 tháng. Bình quân mỗi tháng giặc Mỹ đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom các loại, trung bình mỗi mét vuông đất gánh chịu 3 quả bom tấn. Hố bom chồng chất, đất đá đào đi xới lại.

“Nếu ngã ba này bị chia cắt thì các binh đoàn của ta cùng hàng ngàn xe vận tải vũ khí, lương thực sẽ bị dồn ứ, thành mồi cho máy bay Mỹ. Đây là nơi duy nhất để con đường vận tải đi qua, trở thành điểm đọ sức chiến lược giữa ta và địch”, nữ hướng dẫn thuyết minh tại Ngã ba Đồng Lộc giải thích.

Xem phim tài liệu, nghe thuyết minh và kể về lịch sử, ai cũng xúc động. Ngày ngày khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn chiến sĩ ùa ra phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, dẫn đường cho xe vượt tuyến. Không một người nào có mặt giữa ngã ba khi trời đã sáng. Có mặt ở ngã ba này giữa ban ngày đồng nghĩa với đón nhận cái chết.

NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM

Người dân chụp ảnh lưu niệm tại nhà bia tưởng niệm.

Vào ngày 24/7/1968, như một định mệnh được báo trước, 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552 - Tổng đội thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định san lấp hố bom giữa ban ngày để kịp cho xe thông đường. Ngày hôm đó, lúc 16h, trận oanh tạc lần thứ 15, một quả bom tấn rơi trúng chỗ 10 cô gái đang làm nhiệm vụ. Tiếng nổ dữ dội làm đất đá tung tóe, khói bom đen ngòm trùm lên cả đội hình 10 cô gái tuổi từ 17 đến 24.

Nữ hướng dẫn viên thuyết minh với cái chất giọng Hà Tĩnh ngọt ngào thiết tha, làm ai cũng xúc động “Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới tìm kiếm được thi hài 9 chị. Còn một người chưa tìm thấy, là chị Hồ Thị Cúc. Mãi cho đến sáng ngày thứ ba mới tìm thấy chị Cúc dưới bao nhiêu đất đá trên đồi Trọ Voi. 10 chiếc quan tài gỗ tạp đơn sơ xếp hàng đặt bên nhau trong đồi Bãi Dỵa, bát hương làm bằng thân cây chuối và hoa mua, hoa sim trên đồi Can Lộc tỏa hương bên linh hồn trắng trong của họ”.

Trong nhà bảo tàng vẫn còn lưu giữ những hiện vật dùng hàng ngày, công cụ làm việc và chiến đấu của hàng ngàn chiến sĩ ở đây rất thô sơ, giản đơn như trang phục quần áo, lược, mũ, dép, chén, muỗng, đũa, nón, chảo, cuốc, xẽng, bình nước, xe đạp…

Thật xúc động khi nhìn những hiện vật để lại của 10 cô gái thanh niên xung phong từ chiếc xoong kho cá đến chiếc áo của chị Nguyễn Thị Xuân, bình đựng nước của chị Võ Thị Hà, sổ đoàn viên cùng chiếc vali của chị Trần Thị Hường, chiếc lượt cùng nhúm tóc thề của chị Võ Thị Tần...

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động gắn liền với cuộc đời các chị. Xúc động nhất với tôi có lẽ khi đọc bức thư gởi mẹ trước lúc hy sinh, chị Võ Thị Tần đã viết “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con...”.

Và còn đó hố bom sâu hoắm, nơi 10 cô gái tuổi đôi mươi ra đi trong xót xa nhưng lòng thanh thản. Thắp nén nhang với lòng thành kính, trong giây phút tưởng niệm, bỗng thấy từ sâu thẳm lòng mình vang vọng lên tiếng cười rúc ríc, nhí nhảnh và ánh mắt những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi nơi Ngã ba Đồng Lộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc Việt Nam.

ĐOÀN XEM PHIM TƯ LIỆU VÀ NGHE TUYẾT MINH

Người dân xem phim tư liệu và nghe thuyết trình

Ngã ba Đồng Lộc giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hồi sinh trên tọa độ chết năm xưa có không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ, xung quanh bao phủ cây xanh, hàng ngàn hố bom được san lấp tạo cảnh quan và làm khu di tích lịch sử cùng nhà tưởng niệm, tượng đại chiến thắng, nhà trưng bày di vật chiến tranh, cụm tượng thanh niên xung phong, đài tưởng niệm giao thông vận tải…

Tháp chuông trên đồi Mũi Mác vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại, hình dáng vững chãi, biểu tượng cho tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả, ý chí quyết tâm vươn lên xây dựng quê hương phồn vinh.

Theo nữ hướng dẫn thuyết minh, tháp chuông này cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát giác đều. Trong tháp tầng 1 đến tầng 7 được lắp đặt đèn chiếu sáng nghệ thuật tạo sắc màu lung linh, huyền ảo. Tầng trên cùng treo quả chuông đồng nguyên khối nặng 5,7 tấn, cao 3,6m và đường kính 1,95m. Tiếng chuông vang lên như lời tri ân người đã hy sinh, khát vọng hòa bình, thúc giục thế hệ hôm nay vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh và hạnh phúc.

Đứng trên tầng 7 tháp chuông ở đồi Mũi Mác, nhìn thấy khung cảnh sống yên bình thôn quê với các mái nhà khang trang, những đứa trẻ vui đùa, vài đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ, màu lúa xanh rì, phía xa là những chiếc cần cẩu vươn cao xây các công trình mới, từng đoàn xe chở khách nối đuôi nhau trên đường hướng về Ngã ba Đồng Lộc… Sự yên bình cùng cuộc sống phát triển hôm nay có sự đóng góp to lớn của hàng ngàn chiến sĩ, nhân dân, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đoàn chúng tôi sau khi dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cùng 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc có nhiều người cứ muốn nán lại, dừng chân lâu hơn để hiểu thêm cuộc sống, con người, vùng đất được cho là “địa linh nhân kiệt”.

Đến thăm viếng, dâng hương, tưởng niệm, nghe kể lịch sử hào hùng dân tộc, trước sự hy sinh to lớn của 10 cô gái thanh niên xung phong và hàng ngàn chiến sĩ nơi Ngã ba Đồng Lộc, chúng ta sẽ thấy những bon chen thường ngày vì cái này vì cái kia trở nên nhỏ bé và tầm thường.  

Ngã ba Đồng Lộc gắn liền truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng, huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, giờ đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên đường Hồ Chí Minh và được đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm Thanh niên Xung phong Toàn quốc, là địa chỉ đỏ của nhân dân cả nước về dâng hương, tưởng niệm.

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến thăm viếng, tham quan. Mỗi dịp tết đến, càng có nhiều người đến thắp hương tri ân. Đây còn là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt Nam thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của 10 cô gái thanh niên xung phong và hàng ngàn chiến sĩ hy sinh để đất nước mãi mãi được trường tồn và dân tộc có được những mùa xuân độc lập tươi đẹp.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020.

Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.