Đó là góp ý của ông Phạm Hồng Điệp – TGĐ KCN Nam Cầu Kiền tại Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đánh giá về quá trình thực thi của Nghị định 82, ông Phạm Hồng Điệp cho biết vẫn còn nhiều bất cập cần được sửa đổi.

BỎ QUY ĐỊNH VỀ TỶ LỆ LẤP ĐẦY TỐI THIỂU 60%

Thứ nhất, về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp mới là tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh/thành phố đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%.

Ông Điệp cho biết, đây là rào cản phát triển cho các đơn vị thu hút đầu tư hiệu quả bên cạnh những dự án treo, dự án thu hút đầu tư kém trong cùng một địa phương.

Việc phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN trên phạm vi cả nước cần xác định trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm thước đo. Các KCN cần gắn chặt và cần được đặt trong chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng và địa phương, để KCN có thể phát huy được sức lan tỏa và vai trò của một cực tăng trưởng. Tuy nhiên, không phải đơn vị phát triển hạ tầng nào cũng có năng lực triển khai việc đầu tư kinh doanh cơ sơ hạ tầng một cách hiệu quả từ việc thu hút đầu tư đến việc quản lý vận hành KCN đặc biệt là kiểm soát các vấn đề về môi trường.

“Như vậy, để khuyến khích việc phát triển các KCN, đề xuất không áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% để mở cửa và chào đón các đơn vị phát triển hạ tầng KCN có năng lực thực sự đầu tư vào địa phương đó" - ông Điệp cho biết.

Theo ông Điệp, việc áp dụng tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% trung bình đối với các KCN vô tình tạo rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả khi triển khai các dự án Khu công nghiệp mới trên địa bàn vì bị phụ thuộc vào năng lực thu hút đầu tư của các KCN không hiệu quả. Thực tế cho thấy hầu hết các đơn vị có năng lực tốt mới tự tin nghiên cứu và triển khai nhiều các dự án KCN cùng một lúc.

Ngoài ra, đối với một số mô hình KCN đang là xu hướng phát triển và được Nhà nước khuyến khích như khu công nghiệp sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên sâu cũng sẽ không phải áp dụng quy định về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% này để tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp.

GIẢI QUYẾT NHÀ Ở CÔNG NHÂN

Ông Phạm Hồng Điệp cũng cho rằng, cần bổ sung chính sách, quy định nhằm giải quyết các vấn đề cộng đồng khi triển khai các dự án KCN tại địa phương như nhà ở xã hội, tuyển dụng lao động, ưu tiên liên kết và sử dụng các dịch vụ tại chỗ.

Thực tế, các khu công nghiệp thu hút nhiều ngành nghề khác nhau, điều này cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết như tuyển dụng lao động, hỗ trợ đào tạo nghề, ổn định chỗ ở cho người lao động… để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện tại nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động đặc biệt là các lao động nhập cư là rất lớn. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu, nguồn vốn đầu tư.

"Các văn bản quy định có quy định nhà ở cho công nhân đưa ra định dạng 4 – 6 -  8 người trong 1 phòng, song quy định này không còn hợp lý. Công nhân rất cần những khoảng không gian riêng, chất lượng sống cao hơn. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư khi lựa chọn đặt nhà máy tại một khu công nghiệp nào đó. Do vậy, cần những tư duy mới về nhà ở công nhân, đầu tư thêm không gian, tiện ích từ y tế, trường học mẫu giáo, bãi để xe, siêu thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho họ" - Ông Điệp chia sẻ thêm.

Theo ông Điệp, cần phải cập nhật và xây dựng lại các tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, tránh trường hợp các dự án xây xong không bán được do không đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Ngoài ra, về vấn đề việc làm đang rất thiếu nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo và có chuyên môn. Hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo đang thiếu tính thực tiễn, không gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nên chất lượng lao động chưa cao.

Theo đó, các cơ quan chính quyền địa phương cần phải có những chính sách đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo. Ngoài ra, cần xây dựng kênh kết nối cung cầu lao động tại mỗi địa phương một cách hiệu quả thông qua việc tổ chức các chương trình ngày hội việc làm, thông qua các trung tâm xúc tiến giới thiệu việc làm, các trường đại học, trường đào tạo nghề để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nguồn lao động có chất lượng.

GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TĂNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Và cuối cùng, ông Điệp cho biết cần hơn nữa việc tháo gỡ, giảm tải thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành 01 KCN.

Theo ông Điệp, hiện để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất thời gian lên tới 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án.

Chính vì thế, đề xuất cần có những biện pháp và chính sách cắt giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc phát triển và mở rộng các KCN đặc biệt là các dự án của các đơn vị phát triển hạ tầng đã có uy tín và hiệu quả thông qua năng lực triển khai thực tế các dự án sẵn có.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu phương án ủy quyền và phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN cho Bộ kế hoạch đầu tư hoặc UBND cấp tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương dựa vào quy mô, tính chất của từng dự án để rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.

Ông Điệp cũng cho biết, không nên quy định giới hạn đầu tư khu công nghiệp với diện tích dưới 500ha, với những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt, nên cho phép phát triển các khu công nghiệp quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp cũng nhấn mạnh: "Nghị định 82 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam định dạng được thế nào về khu công nghiệp sinh thái. Chỉ cần có những ưu đãi về cơ chế chính sách, giảm thải thủ tục, và đề xuất ưu đãi cụ thể đối với việc phát triển các KCN sinh thái sẽ tương đương như Khu kinh tế thì các nhà đầu tư sẽ sớm chuyển hướng sang phát triển KCN xanh, sản phẩm xanh".