>> Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Trả lời Công văn số 2040/BTNMT-ĐCKS ngày 20/04/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong luật.

Cần tập trung làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá trong Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Cần tập trung làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá trong Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Cụ thể, theo VCCI, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một nội dung mang tính đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010, tuy nhiên, thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, chiếm tỷ lệ 1.4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 trên tổng số 4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9.2%. Đây là những tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.

Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế, giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TN&MT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

VCCI cho rằng, một phần nguyên nhân của thực trạng trên nằm trong chính các quy định của Luật Khoáng sản 2010. Điều 78 của Luật Khoáng sản đã không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá, mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này dẫn đến tình trạng các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng và thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản được xếp vào diện không đấu giá.

>> Kỷ luật nhiều lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam

Theo VCCI, việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp

Theo VCCI, việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư - Ảnh minh họa

Do đó, VCCI đề nghị việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong luật. Định hướng là mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng rất hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo có đề xuất thẩm quyền xác định khu vực không đấu giá nên chuyển cho Bộ TN&MT thay vì để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như hiện nay, với lý do tránh quá nhiều việc trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, như đã phân tích, nguyên nhân của việc phải trình nhiều văn bản lên Thủ tướng là do tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng. Nếu giảm được tiêu chí này thì sẽ khắc phục được vấn đề trên. Việc duy trì thẩm quyền của Thủ tướng cũng sẽ là một biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế số lượng mỏ không qua đấu giá.

Ngoài ra, góp ý về quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản, VCCI cho rằng, qua thực tiễn triển khai Luật Khoáng sản trong 10 năm qua, VCCI nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản không được pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ, mặc dù họ đã phải nộp một số tiền cấp quyền khai thác rất lớn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng quyền khai thác khoáng sản đã được cấp làm tài sản bảo đảm để huy động vốn đầu tư xây dựng công trình mỏ. Đây cũng là thông lệ quốc tế về thực tiễn kinh doanh trong ngành khoáng sản tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại Việt Nam, khi doanh nghiệp muốn thế chấp quyền khai thác khoáng sản để vay vốn đầu tư mỏ thì bị một số cơ quan nhà nước gây khó khăn. Lý do được đưa ra là vì Luật Khoáng sản không đề cập đến việc bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả quyền thế chấp) đối với quyền khai thác khoáng sản.

Theo VCCI, việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (nhất là việc thế chấp để vay vốn trong giai đoạn ngay sau cấp phép) sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và có thêm nguồn lực để xây dựng công trình mỏ an toàn, hiện đại, giúp giảm tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng khai thác triệt để nguồn lợi khoáng sản.

“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp, có thể tiến hành dẫn chiếu sang Bộ luật Dân sự để tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót”, VCCI góp ý.